Bước sang năm thứ 3, chương trình nghệ thuật “Hoa núi” dần trở nên thân thuộc với những người yêu nghệ thuật nói chung và khán giả Thái Nguyên nói riêng. Được đánh giá là một chương trình vượt trội về “chất” so với hai mùa Hoa núi vốn đã rất thành công trước, diễn ra tại sân khấu Nhà hát Ca, múa, nhạc dân gian Việt Bắc, Hoa núi 2023 đã để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng công chúng.
Kịch ngắn “Phiên tòa trong mơ” đánh dấu sự trở lại của kịch nói Thái Nguyên trên sân khấu. |
Năm 2023 là năm thứ 3 Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức Chương trình này. Chương trình có sự phối hợp của 3 đơn vị gồm: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; Nhà hát Ca, múa, nhạc dân gian Việt Bắc và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, với hơn 100 tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên.
Nói về những điểm mới trong chương trình Hoa núi năm nay, Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, chia sẻ: Bên cạnh sự vượt trội về số lượng và chất lượng tác phẩm tham dự so với hai mùa Hoa núi trước, Chương trình năm nay còn đánh dấu sự trở lại của kịch nói Thái Nguyên sau thời gian dài vắng bóng, bằng một vở diễn chính thức trên sân khấu lớn. Cũng lần đầu tiên trên sân khấu Hoa núi, công chúng được chứng kiến đội ngũ nhạc công thuộc các đoàn nghệ thuật và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc cùng đứng trên một sân khấu biểu diễn.
Có mặt tại Nhà hát Ca, múa, nhạc dân gian từ rất sớm, ông Đỗ Duy Hùng, ở phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Đối với lớp người không quá xưa nhưng đủ cũ như chúng tôi thì kịch nói là một món ăn tinh thần vô cùng hấp dẫn. Tôi còn nhớ đã từng được xem và ấn tượng mãi với những vở diễn của Đoàn kịch nói Bắc Thái, Thái Nguyên như: Hà My của tôi, Nhân danh công lý... Tôi rất nhớ không khí khi đó. Bởi vậy, khi biết thông tin kịch nói sẽ lại được trình diễn trên sân khấu, tôi đã đến đây rất sớm để đợi xem.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Bộ - nguyên Trưởng Đoàn kịch nói Bắc Thái - Thái Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam rừng Việt Bắc, đạo diễn vở kịch lần này, không dấu được niềm vui khi góp phần đưa kịch nói trở lại sân khấy Thái Nguyên. Ông cho biết: Tôi là người con của Thái Nguyên, được sinh ra, lớn lên ở đây, được nhân dân Thái Nguyên đùm bọc và tạo niềm cảm hứng sáng tạo nên tôi rất xúc động khi được góp phần vào Hoa núi. Mà không chỉ riêng tôi, các anh chị em nghệ sĩ khi biết được thông tin kịch nói “có đất” diễn đều rất háo hức và hết mình tập luyện.
Sân khấu chuyên nghiệp, các tiết mục được dàn dựng công phu, các nghệ sĩ, diễn viên đã giúp khán giả như được cùng ngược lên vùng núi cao, nơi có những bản làng người Lô Lô sinh sống; hòa cùng chiều sâu văn hóa, thấy được ý chí mạnh mẽ, tinh thân lạc quan, sự yêu thương, đoàn kết và khát khao về cuộc sống tươi đẹp của người dân vùng cao.
Tiết mục múa “Tắm lửa”. |
Khán giả của Hoa núi 2023 còn được thưởng thức những giai điệu da diết của ca khúc “Tìm em câu hát Sọong Cô”; cảm nhận cuộc sống chiến đấu, lao động và sự hy sinh quả cảm của các cựu TNXP Đại đội 915 cùng đồng đội trong những năm tháng chiến tranh, được chìm đắm vào nghi lễ mang nhiều yếu tố tâm linh nhưng lại bộc lộ rõ nét bản sắc nghệ thuật múa độc đáo trong lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn qua tác phẩm múa “Tắm lửa”…
Mong rằng với sự nỗ lực của Ban Tổ chức, sự nhiệt huyết của các đơn vị tham gia, mong muốn được cống hiến hết mình cho nghệ thuật các tác giả, biên đạo, nghệ sĩ, diễn viên, Hoa núi sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng những người trân quý nghệ thuật tỉnh nhà.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin