Gió từ rừng sâu hun hút thổi về, càng về chiều gió càng chuyển mạnh, hai nhánh cành của gốc sồi cổ thụ ở ven rừng xoắn vào nhau kêu ken két, lá khô cành mục rơi rụng phủ kín cả con đường mòn...
Minh họa: Thanh Hạnh |
Khoác trên người chiếc chăn trấn thủ, anh bụm tay châm điếu thuốc lào rồi ngửa cổ phả lên nóc lán, làn khói trắng bị gió rừng hắt ra cửa lều rồi tan biến.
Nhà nước đã có chỉ thị cấm rừng rất nghiêm ngặt, nên bọn lâm tặc thường chuyển hướng hoạt động vào ban đêm. Vì vậy, đội kiểm lâm của anh đêm nào cũng phải thay nhau canh gác với nhiệm vụ quan sát trong rừng thấy có ánh đèn, hoặc có tiếng rì rì của cưa máy thì phải báo ngay về trạm.
Ngồi một mình cùng bốn bề rừng núi âm u, bất giác anh nhớ lại cái đêm định mệnh mười năm về trước. Giả sử không có đêm hôm ấy, có thể anh đã xin từ bỏ cái công việc vô cùng gian nan vất vả này như một kẻ đảo nhiệm.
Hồi mới bước vào lực lượng kiểm lâm, một mình phải vào tận rừng sâu trong đêm, anh vô cùng hang mang. Có lẽ biết được tâm trạng đứa cháu, ông nội đã kể một câu chuyện cho anh nghe về khu rừng này. Đó là một câu chuyện từ hồi đánh Pháp mà ông đã trải qua: Ngày ấy, ông là người lính thuộc một đơn vị bộ đội địa phương. Trong những năm tháng gian khổ chiến đấu, đơn vị của ông đã làm cho quân giặc nhiều phen thất điên bát đảo. Có một lần, ở chính khu rừng mà anh sắp sửa lên trực, ông đã bị một con rắn hổ mang cắn. Nhưng rất may là lúc ấy có một chiến sĩ trong đội du kích của huyện Võ Nhai, đơn vị phối hợp chiến đấu với đội quân của ông biết lá thuốc chữa nên ông thoát chết. Ông sống được đến ngày hôm nay là nhờ người chiến sĩ trẻ của đội du kích ấy. Kết thúc câu chuyện, ông không quên nhắc nhở:
- Khu rừng ấy nhiều rắn nên cháu phải hết sức đề phòng. Tuy nhiên, rắn cũng là động vật quý, cũng là tài sản cần được các cháu bảo vệ.
Đêm hôm ấy, tuy chưa thể trút được nỗi sợ hãi, nhưng câu chuyện của ông nội cũng đem đến cho anh sự cảm phục về những người chiến sĩ cách mạng năm xưa.
Vào lúc nửa đêm, đang quan sát bốn bề, bỗng anh nghe có tiếng đạp cành lá loạt soạt rồi trước mặt anh xuất hiện một ông già tuổi phải ngoài bảy mươi, vai đeo gùi.
Anh thở phào:
- Bác đi đâu trong rừng vào giờ này?
Anh vội đỡ ông già vào lán.
Ngồi sưởi một lúc, ông già nói, nơi ở của ông trong xóm người Nùng, ở bên kia núi, hôm nay lên rừng tìm thuốc chữa rắn cắn. Trời nổi gió to nên vào lán trú tạm để ngày mai tìm hái thêm thuốc.
Ông già nhìn xung quanh lán, khẽ nói:
- Lán lụp xụp cháu phải đề phòng rắn đấy! Khu rừng này từ xưa đến nay có rất nhiều rắn độc.
- Dạ vâng. Chiều nay ông cháu cũng đã dặn.
Anh nhìn chiếc gùi, nói vui:
- Bác ơi, giả sử hôm nay cháu bị rắn độc cắn thì cũng không lo, vì đã có bác ở đây với cả một gùi thuốc.
Ông cười khà khà:
- Câu nói của cháu làm bác nhớ lại chuyện sáu mươi năm về trước lố.
- Chuyện gì hả bác? Bác kể cho cháu nghe đi ạ.
Ông già liền kể bằng một giọng vui vẻ:
- Hồi ấy, tuy mới mười sáu tuổi nhưng bác đã là đội viên đội du kích Võ Nhai đấy.
Anh hồ hởi:
- Ông nội cháu cũng là bộ đội chiến đấu ở vùng rừng này.
- Vậy à?
Ông say sưa tiếp:
- Ngày ấy, đội du kích của bác được giao nhiệm vụ khuân vác đạn dược, đi tắt theo đường từ Bắc Sơn sang Võ Nhai, để phục vụ cho một đơn vị địa phương đang có kế hoạch truy đuổi quân giặc. Vừa đến khu rừng này, cũng chính là địa điểm đơn vị bộ đội tập kết thì bác thấy một chiến sĩ người Tày bị con rắn hổ mang cắn. Bác vội chạy đến ghé miệng vào vết thương hút và nhổ từng bụm máu tươi chứa nọc độc ra, nhanh tay hái mấy nắm lá cho vào miệng nhai, rồi ghé vào miệng đồng chí người Tày ra hiệu phải nuốt mau. Sau đó lấy bã thuốc đắp, băng lại. Ít phút sau, do nhiệm vụ chiến đấu khẩn trương nên đội du kích của bác với đơn vị bộ đội chia tay nhau. Từ đó bác cũng không gặp lại chiến sĩ người Tày ấy nữa. Sáu mươi năm đã qua, nhiều lúc nghĩ lại chuyện này bác vẫn còn băn khoăn về sự sống chết của đồng chí không may bị rắn cắn đêm hôm ấy.
Nghe xong câu chuyện, anh vội reo lên:
- Bác yên tâm đi. Người bị rắn cắn hôm ấy vẫn còn sống khỏe mạnh ạ. Đó chính là ông nội cháu. Trước lúc cháu lên đây trực, ông cháu đã kể cho cháu câu chuyện này. Khu rừng này đúng là có duyên kì ngộ của ông cháu và bác cháu ta.
Ông già lập cập:
- Thật phúc đức quá. Ông cháu giờ cũng phải ngoài tám mươi rồi nhỉ?
- Vâng! Ông cháu tám mươi ba rồi bác ạ. Thỉnh thoảng ông vẫn nhắc lại chuyện cũ.
- Khi nào có dịp nhất định bác sẽ đến thăm ông cháu.
- Vâng! Nhất định rồi. Cháu cho bác số điện thoại. Khi nào bác đi được, cháu sẽ đến tận nơi đón. Ông cháu chắc là mừng lắm đấy.
Rừng đã bớt gió, sương đêm lạnh giá đã phủ kín những cánh rừng. Anh nhấc ống nhòm lên cảnh giới, yên tâm vì không thấy đốm lửa khả nghi nào. Bầu trời đầy sao hắt xuống cánh rừng đen sậm ánh sáng mờ mờ trầm mặc...
Ra thế, chính khu rừng mà anh và đồng nghiệp đang ngày đêm canh giữ để ngăn chặn bọn lâm tặc đến khai thác gỗ trái phép lại cũng là nơi ông nội anh cùng ông già người Nùng này đã từng đánh giặc. Giờ đây, ngoài lòng yêu rừng, đối với anh, rừng còn là nơi mang dấu ấn lịch sử oai hùng của những con người từng dãi gió, nằm sương, từng chống đỡ với kẻ thù và thú dữ, rắn rết bao hiểm nguy mà vẫn làm nên những chiến công hiển hách.
Bất giác, anh nhớ đến câu thơ của Tố Hữu "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Còn bây giờ rừng cũng sẽ chở che cho lực lượng kiểm lâm các anh bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước. Từ đêm hôm ấy, anh đã rũ bỏ ý định từ nhiệm và tự nhủ sẽ dâng hiến trọn đời cho công việc bảo vệ rừng.
* * *
Giờ đây, ông nội anh và ông già người Nùng đều đã về cùng tiên tổ. Nhưng vào những đêm trực trên lán canh này, anh vẫn luôn thấy hình bóng họ thấp thoáng trong từng tán lá, từng con suối, từng con đường mòn. Và anh luôn thấy tự hào vì đang được là người nối tiếp cha ông, gìn giữ cho núi rừng mãi tươi xanh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin