Những năm gần đây, các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, tim mạch, tiểu đường và ung thư ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy, chế độ dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa, phòng bệnh, nhất là các bệnh không lây nhiễm.
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm; 75% tỷ lệ tử vong ở Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout… Số liệu điều tra toàn quốc ở người trưởng thành cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp tăng gần gấp 2 lần sau 13 năm từ 11,2% (1992) lên 25,6% vào năm 2009; tỷ lệ thừa cân-béo phì tăng gấp 2 sau 5 năm từ 3,5% (2000) lên 6,6% (2005); tỷ lệ đái tháo đường tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm từ 2,7% (2002) lên 5,7% (2012). Ở các thành phố lớn, các tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
Cuộc tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy: Ở người trưởng thành từ 18 đến 69 tuổi có tới 15,6% bị thừa cân, béo phì, trong đó ở thành thị là 21,3% và nông thôn là 12,6%; tỷ lệ tăng huyết áp là 18,9%; tỷ lệ tăng Cholesterol máu là 30,2%...
Đặc biệt, số liệu các cuộc tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc trong giai đoạn 1989 – 2010 của Viện Dinh dưỡng cho thấy mức tiêu thụ rau và trái cây trung bình của người Việt Nam là khoảng 250g/người/ngày (chỉ đạt 62,5% nhu cầu khuyến nghị), trong đó chỉ có mức tiêu thụ quả chín tăng từ 2,2g/người/ngày lên 60,9 g/người/ngày trong khi mức tiêu thụ rau các loại không tăng và chỉ đạt 190g/người/ngày năm 2010. Điều tra năm 2015 cũng cho thấy có 57,2% số người trưởng thành ăn ít rau quả. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ăn ít rau, quả được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau, quả là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ.
Tại nước ta, mô hình ăn uống thay đổi theo chiều hướng tăng tiêu thụ chất béo, đạm, tiêu thụ dư thừa muối (9,4g/ngày gấp 2 lần so với khuyến nghị 5g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới). Nguyên nhân là do thói quen của người Việt Nam trong mỗi mâm cơm, ngoài các món ăn đều có bát nước mắm hoặc đĩa muối dùng để chấm; còn tại các cửa hàng ăn, trên mỗi bàn ăn đều có sẵn các loại gia vị để người dùng tự thêm vào cho hợp khẩu vị. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2011, có đến 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam chủ yếu là từ muối và các gia vị cho vào trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn; từ các thực phẩm chế biến sẵn là 11%; trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7,4%. Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hàng ngày (tương ứng với 35,1% và 31,6%). Mì chính và muối tinh cũng là những nguồn cung cấp muối đáng kể (tương ứng 7,5% và 6,1%)... Như vậy, chế độ dinh dưỡng bất hợp lý là một yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của phần lớn các bệnh mạn tính không lây.
Có thể thấy, dinh dưỡng là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể trong các giai đoạn khác nhau sẽ giúp phòng chống hữu hiệu với đa số bệnh tật để có một thể lực khỏe mạnh, sức khỏe tốt, năng suất lao động cao và chất lượng cuộc sống tốt cho mọi lứa tuổi. Chính vì vậy, bữa ăn gia đình có vai trò quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Một bữa ăn cần có đủ các nhóm thực phẩm ở tỷ lệ cân đối là: nhóm ngũ cốc, nhóm thực phẩm giàu đạm, nhóm thực phẩm giàu chất béo và nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất; hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối, đường.
Thực phẩm đầu tiên cần có trong bữa ăn chính là nhóm ngũ cốc, đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Trong nhóm ngũ cốc thì gạo là lương thực phổ biến được sử dụng nhiều nhất. Mọi người nên chọn các loại gạo không xay sát quá kỹ cho bữa ăn hàng ngày để không làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1, chất xơ... Ngoài ra, mọi người cũng nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác nhau (như khoai lang, khoai tây, ngô …) để làm đa dạng bữa ăn và các chất dinh dưỡng, tăng cường lợi ích cho sức khỏe. Người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm, do đó làm cho tính cân đối của khẩu phần không được đảm bảo.
Tiếp theo là nhóm thực phẩm giàu đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống và tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Mọi người cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ… Các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò…) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gout… do có chứa nhiều cholesterol. Mọi người nên tăng cường ăn thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần.
Nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật) cung cấp năng lượng (9kcal/g, hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa nên hạn chế ăn. Tuy nhiên, mỡ cá và mỡ gia cầm có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt omega 3, 6, 9 có lợi cho sức khỏe. Các loại dầu thực vật cũng thường có nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải… Dầu, mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi đổ bỏ, không dùng lại nhiều lần; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Nhóm rau, quả cung cấp vitamin và khoáng chất giúp trẻ nhỏ có cơ thể khỏe mạnh, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Các loại rau lá màu xanh sẫm và các loại rau, quả màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng và chất sắt giúp chống thiếu máu thiếu sắt, giúp tăng trưởng và phát triển tốt. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên ăn ít nhất 400 gam rau, quả mỗi ngày có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, người dân cần hạn chế các loại gia vị mặn và đồ ngọt bởi vì ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận... Đồng thời, mọi người nên uống đủ nước sạch hàng ngày (1,5-2,5 lít) cũng cần thiết để có cơ thể khỏe mạnh, nhất là trong những ngày nắng nóng; cần hạn chế và không lạm dụng rượu, bia.
Mỗi lứa tuổi cần có những lưu ý riêng về chế độ ăn uống để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và phù hợp đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Mọi thực phẩm đều có lợi ích và cả những nguy cơ bất lợi khi sử dụng không hợp lý, quá ít hoặc quá nhiều. Do đó, người dân nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm, phối hợp cả thực phẩm nguồn gốc động vật và thực phẩm nguồn gốc thực vật trong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn hợp lý giàu dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe.