Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa triển khai thành công phương pháp phẫu thuật cột sống can thiệp tối thiểu ứng dụng hệ thống Longitude – Sextant II. Với nhiều ưu điểm về quy trình, ít ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, phương pháp phẫu thuật mới này đã mở ra cơ hội điều trị bằng kỹ thuật hiện đại cho nhân dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Mới chỉ 5 ngày sau phẫu thuật cột sống, ông Lưu Kế Tuấn, 57 tuổi ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã có thể đi lại nhẹ nhàng. Ông Tuấn bảo: Tôi ngã từ độ cao 7m, được chẩn đoán là tổn thương cột sống. Khi đó, mỗi lần vận động tôi đều rất đau, cử động khó khăn. May mắn là được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phẫu thuật theo phương pháp mới nên hiện giờ, tôi đang hồi phục rất nhanh. Bà Bùi Thị Chung, vợ ông Tuấn phấn khởi: Ngay sau khi mổ, ông nhà tôi đã có thể xoay người, cử động nhẹ nhàng các khớp. Vì vết mổ nhỏ nên không đau nhiều. Còn bệnh nhân Vũ Quang Hòa, ở tổ 27, phường Hoàng Văn Thụ nhập viện trong tình trạng đau lưng, tê bì 2 chân do chấn thương. Sau khi phẫu thuật nẹp vít cột sống, anh Hòa đã có thể vận động nhẹ nhàng, tình trạng sức khỏe đã ổn định.
Được biết, ông Tuấn và anh Hòa là 2 bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cột sống can thiệp tối thiểu ứng dụng hệ thống Longitude – Sextant II tại Khoa Ngoại thần Kinh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đây phương pháp được các nước tiên tiến sử dụng trong các trường hợp chấn thương cột sống, cần cố định cột sống và các đốt sống. Với phương pháp này, các bác sĩ dùng một ống hoặc banh nhỏ để banh cơ ra thông qua một đường mổ khoảng 2.5cm, bộc lộ một bên khớp của cột sống ở vị trí mổ. Sau đó tiến hành rạch những đường nhỏ trên da, qua đó, bắt các vít vào các đốt sống dưới sự hướng dẫn của máy chiếu XQuang (C-arm). Một hệ thống khung được lắp đặt vào các vít. Tiếp theo, bác sĩ đưa các thanh dọc liên kết các vít lại với nhau. Sau khi cố định chắc chắn toàn bộ hệ thống nẹp vít, khung được tháo bỏ và các vết mổ được khâu lại.
Chia sẻ về ưu điểm của phương pháp phẫu thuật mới, bác sĩ Chuyên khoa II Đồng Quang Sơn, Trưởng khoa Ngoại thần kinh chia sẻ: So với phương pháp cũ, phương pháp phẫu thuật cột sống can thiệp tối thiểu có vết mổ nhỏ hơn rất nhiều, do đó giảm mất máu, bệnh nhân ít đau hơn, thời gian phục hồi nhanh hơn. Đồng thời, phương pháp này cũng vượt trội ở khả năng giảm phá hủy cơ, hạn chế biến chứng thần kinh, biến chứng nhiễm trùng; hạn chế đau sau mổ. Bệnh nhân có thể nhanh chóng tập vận động. phục hồi chức năng; giảm thời gian nằm viện…
Để thực hiện phẫu thuật cột sống can thiệp tối thiểu ứng dụng hệ thống Longitude – Sextant II, kíp cán bộ của Khoa Ngoại thần kinh đã được cử đi học tập tại một số bệnh viện tại T.P Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Khoa đã mời Tiến sĩ Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám Quốc tế Exson (TP. Hồ Chí Minh), một trong những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực cột sống tại Việt Nam trực tiếp thuyết trình, trao đổi và giám sát những ca phẫu thuật đầu tiên. Sau một thời gian học tập và thực hành cùng các chuyên gia, kíp cán bộ của Khoa đã thực hiện thành thạo kỹ thuật và sẵn sàng thực hiện trên những ca bệnh tại Bệnh viện. Đến tháng 8-2017, được sự hợp tác, hỗ trợ về máy móc của Công ty TNHH Thiết bị Điện tử Y tế Meditronic, Khoa Ngoại thần kinh đã triển khai phương pháp phẫu thuật cột sống can thiệp tối thiểu ứng dụng hệ thống Longitude – Sextant II tại Bệnh viện.
Được biết, đây là phương pháp phẫu thuật cột sống mới đối với Việt Nam. Hiện nay, mới chỉ có một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Với việc Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên triển khai thành công phương pháp này, Thái Nguyên trở thành địa phương thứ 3 trên cả nước ứng dụng thành công phương pháp phẫu thuật cột sống can thiệp tối thiểu ứng dụng hệ thống Longitude – Sextant II.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đánh giá: Phương pháp này là lựa chọn tuyệt vời cho bệnh nhân bị chấn thương cột sống ở mức độ không quá nặng, thay thế phẫu thuật xâm lấn mức độ cao. Việc triển khai thành công những ca phẫu thuật cột sống can thiệp tối thiểu đầu tiên đã mở ra cơ hội đối với nhiều bệnh nhân bị chấn thương cột sống, được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao tại Thái Nguyên mà không cần phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên hoặc ra nước ngoài để điều trị. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai phương pháp này song song với phương pháp phẫu thuật cột sống cũ; đồng thời, mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cột sống đến để trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện hơn nữa phương pháp phẫu thuật mới này.