Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp cần khám mắt định kỳ hàng năm (trong đó có khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm 80%).
Cứ 5 giây thế giới lại có thêm một người bị mù và cứ 1 phút trên thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. Đặc biệt, 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này) và 75% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.
Hiện nay ở Việt Nam, các bệnh lý về mắt diễn biến phức tạp, dễ gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa nếu người dân không được thăm khám, điều trị kịp thời, nhất là với 2 bệnh lý gồm bệnh đục thủy tinh thể và tật khúc xạ ở trẻ em.
Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu, có thể điều trị được thông qua phẫu thuật. Các bệnh như bệnh glôcôm, thoái hóa hoàng điểm, tật khúc xạ... cũng là nguyên nhân dẫn đến mù lòa.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa, thị lực kém, trong đó chiếm 1/3 là người nghèo, không có tiền điều trị; 83% số người mù được cho là có thể phòng chữa được (bao gồm 69% có thể chữa được và 14% có thể phòng ngừa). Bệnh đục thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu gây mù, chiếm tỷ lệ 66,1%. Số lượng mù lòa do đục thủy tinh thể trong cộng đồng ở nước ta còn cao, hàng năm tồn đọng 150.000 ca chưa thể giải quyết. Tiếp theo là các bệnh gây mù như: Bán phần sau nhãn cầu (16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), sẹo giác mạc (5,6%), teo nhãn cầu (3,2%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột 1,7%...
Đáng lưu ý là các tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến ở nước ta với tỷ lệ mắc khoảng 10-15% ở học sinh nông thôn, 30-35% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi, cả nước có khoảng gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ, trong đó chủ yếu là cận thị. Việc triển khai phòng chống các tật khúc xạ học đường thông qua khám sàng lọc đầu năm học đã và đang được triển khai song có một số khó khăn về nhân lực, kinh phí…
Đưa chăm sóc mắt trở thành chương trình phòng chống mù lòa quốc gia là nỗ lực của các cấp, các ngành ở Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc sức khỏe mắt cho nhân dân. Thời gian tới, ngành y tế cần thúc đẩy xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa và các kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục kiểm soát các bệnh gây mù có thể phòng tránh được, đặc biệt là mổ đục thể thủy tinh, tiến tới thanh toán bệnh mắt hột. Cùng với đó, công tác truyền thông cần được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc mắt. Việc thăm khám định kỳ các bệnh về mắt ở các cơ sở chuyên khoa mắt cũng sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt, mang lại hiệu quả cao trong công tác điều trị.