Cảnh báo ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên

09:55, 05/12/2017

Chỉ trong 3 ngày, từ 25-27/11, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc do ăn phải các loại cây có độc tố tự nhiên khiến 15 người phải nhập viện. Đây là vấn đề cần được lưu ý khi thói quen sử dụng thực phẩm sẵn có, chưa rõ nguồn gốc vẫn khá phổ biến trong đời sống nhân dân.

Vụ ngộ độc mới nhất xảy ra vào chiều ngày 27-11. 6 người dân cùng ở xã Quân Chu (Đại Từ) nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, hoang tưởng, ảo giác… Anh Triệu Hồng Tiến, một trong những nạn nhân cho hay: Buổi trưa ngày 27-11, tôi có ra vườn để hái rau về ăn. Sau khi hái rau cải, tôi thấy ở bên cạnh có một đám cây có hình dáng lá giống cây rau đắng chúng tôi vẫn sử dụng hàng ngày nên hái về để nấu canh cùng rau cải. Trong suốt bữa ăn, cả 6 người chúng tôi không thấy vị lạ hay xảy ra hiện tượng gì. Nằm ở giường bên cạnh, anh Triệu Tiến Chiến tiếp lời: Sau khi ăn khoảng 1 giờ, lần lượt cả 6 người chúng tôi đều thấy buồn nôn, chóng mặt. Chờ một thời gian không thấy đỡ nên chúng tôi đã gọi người nhà đưa đến Bệnh viện C Thái Nguyên.

Bác sĩ Trần Thị Phương Nam, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: Cả 6 bệnh nhân được đưa đến Khoa trong tình trạng khá nguy kịch: tim đập nhanh, đồng tử giãn, mạch nhanh, nôn ói, ảo giác, thần kinh không tự chủ… Chúng tôi phải huy động lực lượng toàn Khoa để ổn định bệnh nhân và tiến hành các bước cấp cứu.

Thực tế sau khi tìm hiểu cho thấy, loại rau mà 6 nạn nhân ăn không phải là rau đắng mà là cây hoa chuông, một loại cây độc thuộc họ cà Solanaceae. Loài cây này còn được gọi là cây “thôi miên” hay “hơi thở của quỷ” bởi trong hoa của nó chứa chất gây ảo giác. Theo các chuyên gia, tất cả các bộ phận của cây hoa chuông đều chứa độc tố cực mạnh, có thể dẫn đến ngộ độc sau khi ăn. Ở dạng nhẹ, bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn, mệt mỏi, choáng váng,... Ở dạng ngộ độc nặng, người bệnh có thể bị suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng..., nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Cùng theo bác sĩ Nam, đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên. Trước đó, nhiều trường hợp phải nhập viện do sử dụng củ, rễ, lá, thân… các loại cây dùng để ăn, làm thuốc hay ngâm rượu. Các trường hợp này đều có đặc điểm chung là người dân nhầm lẫn loại cây chứa độc tố với các loại thực phẩm thường dụng

Hai ngày trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra sự việc tương tự khi 9 người phải nhập viện sau khi ăn lẩu tại một nhà hàng. Nguyên nhân được xác định là do nhà hàng đã sử dụng thân cây ráy trong chế biến thức ăn (do nhầm lẫn với cây dọc mùng) khiến người ăn rơi vào tình trạng phản vệ, phải đi cấp cứu. Hay vào tháng 7-2017, 5 bệnh nhân nam tuổi từ 26-35 tại xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) phải nhập Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu trong tình trạng kích thích, vật vã, đau bụng, nôn nhiều, đi ngoài liên tục sau khi uống một loại rượu ngâm rễ cây lạ. Hay nghiêm trọng nhất, vào năm 2014, trong vòng 5 ngày từ 8 – 12/3, 10 người dân tộc Dao ở hai xã Phú Thượng và Liên Minh (Võ Nhai) đã bị ngộ độc do ăn phải cùng 1 loại nấm có độc tính cao khiến 4 người tử vong và 5 người nguy kịch…

Trên thực tế, thói quen sinh hoạt của đa số người dân ở khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh gắn liền với các loại cây sẵn có trong tự nhiên hoặc cây trồng trong vườn nhà. Bà con thường sử dụng các loại thực phẩm thu hái được để làm thuốc, nấu ăn, ngâm rượu… Trong số đó, có nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc do người dân không nhận thức đầy đủ nên nhầm lẫn, dẫn đến ngộ độc.

Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Không ít các vụ ngộ độc xảy ra hàng năm trên địa bàn tỉnh là do độc tố tự nhiên. Mặc dù chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao kiến thức và thay đổi nhận thức của người dân, song vẫn chưa có nhiều biến chuyển tích cực. Các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên vẫn xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sinh hoạt của người dân. Để thực sự thay đổi điều này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động đến tận các hộ gia đình, từng người dân để thay đổi nhận thức của họ trong tập quán ăn uống, sinh hoạt. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, trường học đẩy mạnh phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, khuyến cáo người dân không nên sử dụng tùy tiện các loại cây mọc trong tự nhiên, hướng dẫn về các loại thực phẩm chưa độc tố… nhằm giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc xảy ra.