Qua kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng dịp cuối năm, nhiều nhà hàng, quán lẩu trên địa bàn TP.Thái Nguyên đều chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Điều đáng nói là khách hàng quá dễ dãi với bản thân khi vào bàn ăn mà không quan tâm nhiều đến chất lượng, mức độ an toàn.
Sau sự cố ngộ độc Lẩu cua đồng Xuân Ba (tổ 5, phường Phan Đình Phùng, TP.Thái Nguyên) ngày 25-11, khiến 9 người bị ngộ độc thực phẩm, Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh đã quyết định tổ chức Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất các nhà hàng, quán ăn chế biến lẩu, đồ nướng trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Chỉ riêng trong hai ngày 27 và 28-12, Đoàn tiến hành kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh ăn uống chế biến lẩu đã lập biên bản xử vi phạm hành chính, hoặc nhắc nhở, cảnh cáo 4 chủ cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định ATVSTP.
Trong số các nhà hàng, quán lẩu Đoàn kiểm tra, có đến 4 cơ sở phục vụ nhóm đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên, hoặc nhóm đối tượng có mức thu nhập thấp. Đánh vào tâm lý người tiêu dùng là giá thành thấp, địa điểm thuận tiện gần nơi ở, gần trường học, nên các nhà hàng, quán lẩu cũng vì thế mà đầu tư tối giản, cắt giảm các chi phí để tiết kiệm. Tại thời điểm kiểm tra các quán: Tafelu BBQ (tổ 4, phường Quang Trung), Đệ nhất lẩu cua đồng (tổ 1, phường Quang Trung) và Nhà hàng Lazo BBQ (tổ 18, phường Quang Trung), các cơ sở kinh doanh này đều không bảo đảm vệ sinh thực phẩm, nhất là trong khâu sơ chế, làm sạch dụng cụ ăn uống. Tất cả thực phẩm đều để xuống sàn nhà ẩm thấp, chung lối đi lại, hoặc có kệ để thực phẩm, nhưng các thùng gia vị không có nắp che đậy, không gian chật hẹp, lẫn đồ gia dụng, rêu mốc, mỡ bám khắp tường. Các chủ cơ sở đều không có số kiểm thực, tủ bảo quản mẫu thức ăn và không có ký giao nhận thực phẩm, thời gian nhập, bảo quản… Có lẽ những vị trí làm việc tại khu vực này, ít thực khách quan tâm, hoặc không được vào khảo sát trước khi gọi món ăn, nên phó mặc cho chủ quán. Thông thường khách đến ăn chỉ quan tâm đến chỗ ngồi, bát đũa, cốc. chén… sạch hay không, chứ hầu như không ai quan tâm đến nhập thực phẩm ở đâu và sơ chế như thế nào.
Đoàn Thanh Hải, sinh viên Khoa Văn - Xã hội (Trường Đại học Khoa học) cho biết: “Thông thường sau một khóa học kết thúc, hoặc một chương trình sinh hoạt tập thể, như tình nguyện, văn hóa văn nghệ, thể thao…kết thúc, chúng em đến các quán, nhà hàng gần trường đặt ăn, vì giá cả phù hợp túi tiền sinh viên, lại không phải đi đâu quá xa. Chúng em thấy đồ ăn ngon nên cũng không nghĩ đến mức độ an toàn, quá trình sơ chế thực phẩm”. Còn anh Phạm Đức Trung, kỹ sư xây dựng Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Thái Nguyên (5/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) tâm sự: "Cơ quan chúng tôi gần đường đê Mỏ Bạch, ở đó nhiều quán lẩu, nên tiện là vào ăn và cứ thấy quán có đông người là vào. Tới bữa, sẵn lẩu nóng, nước sôi thì ăn thôi, còn phân vân gì đến an toàn hay nguồn gốc làm gì nữa…”.
Sự dễ dãi của thực khách đã vô hình tiếp tay cho các hành vi xem nhẹ các quy định về ATVSTP của nhà hàng, chủ quán. Theo ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưỏng Chi cục ATVSTP, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: Các lỗi thường gặp là không có, hoặc hết hạn giấy chứng nhận sự khỏe của nhân viên; hết hạn hoặc chưa có chứng nhận ATVSTP cấp có thẩm quyền; không hoặc chưa lưu mẫu thức ăn hằng ngày; sổ kiểm thực ghi chép không đầy đủ, không có sổ giao nhận thực phẩm và đa số là chưa bảo đảm vệ sinh. Điểm chung là các quán ăn, nhà hàng vào dịp cuối năm thường mở rộng quy mô, tăng diện tích, chỗ ngồi… nhưng lại không khai báo với cơ quan chức năng. Theo đăng ký ban đầu quy mô chỉ dưới 200 chỗ ngồi, thì thuộc thẩm quyền thành phố, huyện, thị xã, nhưng thực tế kiểm tra lại vừa hết hạn, vừa quá quy mô 200 chỗ, có nơi tăng lên gần 400 chỗ ngồi, thì chứng nhận ATVSTP thuộc cấp tỉnh quản lý. Đây chính là sự phối hợp trong quản lý giữa các cấp, ngành chưa thật sự tốt; hướng dẫn cơ sở hoạt động kinh doanh đúng pháp luật chưa sâu sát của địa phương. Từ thực tế hoạt động kiểm tra của Đoàn công tác liên ngành cho thấy, hoạt động tuyên truyền tại cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến vẫn còn những hành vi vi phạm hoặc nhận thức của người dân về tự bảo vệ sức khỏe từ khâu ATVSTP còn đơn giản và tùy tiện.