Vốn xuất thân từ một cán bộ lâm nghiệp, cùng với niềm đam mê cây thuốc chữa bệnh, anh Trần Danh Tài, Giám đốc Công ty CP Thương mại Tư vấn và Đầu tư Bảo Anh (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) đã từ bỏ công việc để lập nghiệp từ cây dược liệu. Với những kiến thức đã học được cùng niềm say mê, anh Tài đang từng bước xây dựng một thương hiệu chuyên sản xuất dược liệu cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Hải Dương. Từ khi học Đại học Lâm nghiệp, anh Tài nhận thấy mình thực sự có duyên với các loại cây dược liệu. Anh kể: Chúng tôi đã đến nhiều vùng rừng ở các địa phương khác nhau để tìm hiểu về các loại cây trồng trong rừng (nhưng không phải cây lấy gỗ). Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu ở các vùng rừng ở khu vực miền núi phía Bắc, tôi được nghe nhiều câu chuyện về công dụng thần kỳ của các loại cây dược liệu được đồng bào sử dụng để chữa bệnh. Từ đó, tôi bắt đầu tò mò và tìm đọc nhiều hơn về cây dược liệu.
Trong quá trình tích lũy kiến thức, niềm đam mê cây dược liệu cứ lớn dần. Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Tài làm việc tại một công ty lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Công việc đem lại cho anh nguồn thu nhập khá ổn định. Tuy vậy, trong những lần đi công tác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chứng kiến cảnh những cây thuốc quý dần bị thất truyền, không thể tìm thấy thậm chí cả trong những cánh rừng sâu nơi đại ngàn, mong muốn bảo tồn cây dược liệu lại thôi thúc anh làm một điều gì đó. Năm 2009, anh Tài quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê với cây dược liệu. Sau khi đi khắp nơi học hỏi về các mô hình trồng cây dược liệu, anh Tài chọn Thái Nguyên làm điểm dừng chân. Tại đây, với số vốn nhỏ nhoi tích lũy qua vài năm làm việc, anh thuê một mảnh đất nhỏ để trồng nấm Linh chi. Anh tâm sự: Lúc đó tại Thái Nguyên đã có nhiều hộ dân trồng nấm và sản phẩm nấm Linh chi cũng không hề thiếu. Vì vậy, khi quyết định trồng nấm Linh chi, tôi quyết định sẽ trồng theo quy trình khác và hướng đến những sản phẩm sau chế biến chứ không chỉ bán sản phẩm thô.
Nấm Linh chi do anh trồng được lấy giống từ Đài Loan. Nguyên liệu để trồng nấm không phải là mùn cưa, rơm rạ mà là gỗ nghiến. Cách làm này giúp bịch nấm được đóng chặt hơn, không bị lẫn tạp chất, kích cỡ hạt gỗ được sắp xếp đúng nên sợi nấm sẽ phát triển tốt hơn. Ngoài ra, vì sản xuất theo hướng dược liệu nên anh Tài yêu cầu quy trình trồng và thu hoạch đều phải theo hướng an toàn. Những lứa nấm Linh chi đầu tiên cho chất lượng tương đối tốt, tuy vậy đầu ra của sản phẩm vẫn còn khó khăn. Thời gian đầu, lượng nấm Linh chi được bán ra thị trường rất ít, trong khi khâu bảo quản tương đối khó khăn nên sản phẩm bị hỏng và phải bỏ đi khá nhiều. Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, anh Tài quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất trà túi lọc từ nấm Linh chi. Sau khi có nhãn mác, bao bì cho sản phẩm, anh Tài chuyển hướng không chỉ giới thiệu đến các địa bàn lân cận mà tiếp thị sản phẩm đến các cửa hàng, siêu thị ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhờ chất lượng tốt và tích cực quảng bá nên sản phẩm của anh ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Không muốn dừng lại ở một sản phẩm, năm 2012, anh Tài quyết định đăng ký khoá học về Đông y. Sau 1 năm học tập, anh đã có thêm nhiều kiến thức về cây thuốc cũng như vận dụng các bài thuốc quý trong điều trị bệnh cho nhân dân. Năm 2013, anh Tài tiếp tục tham gia cùng với Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) nghiên cứu về quy trình bảo tồn và phát triển nấm Lim xanh, cây Khôi nhung. Anh nói: Khi doanh nghiệp hợp tác cùng nhà khoa học có lợi rất lớn trong việc đưa các sản phẩm tốt từ phòng thí nghiệm ra thị trường. Ngược lại, với sự chứng nhận về khoa học, sản phẩm sẽ dễ nhận được sự tin tưởng của thị trường hơn.
Mê cây dược liệu, ngoài phát triển sản xuất, kinh doanh, anh Tài còn cất công đi nhiều nơi để tìm kiếm các cây thuốc quý mang về trồng. Hiện nay, Công ty của anh Tài đang phát triển nhiều loại cây dược liệu quý như: Kim ngân hoa, Khôi nhung, Bạch cập, Đinh lăng… Anh còn liên kết với các hộ dân ở xã Cây Thị, Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Tân Cương (T.P Thái Nguyên)… phát triển vùng trồng cây dược liệu với cam kết cung cấp giống và bao tiêu đầu ra cho bà con. Anh đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra thị trường sản phẩm trà túi lọc và trà hòa tan từ cây Chùm ngây… Trung bình mỗi năm, thu nhập từ cây dược liệu mang lại cho anh Tài khoảng 2-3 tỷ đồng. Anh cho hay: Dù doanh thu chưa phải là cao đối với một doanh nghiệp nhưng tôi cho rằng ý nghĩa của việc trồng cây dược liệu còn quý hơn thế. Ngoài việc chủ động nguyên liệu để chế biến sản phẩm, làm thuốc, chúng tôi còn hỗ trợ bà con nông dân có thu nhập ổn định hơn. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất cây dược liệu quý, đồng thời tăng thêm dây chuyền chế biến các sản phẩm dược liệu. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý của dân tộc.