Nhân Ngày Dân số Việt Nam 26-12: Thay đổi nội dung hình thức tuyên truyền

09:22, 25/12/2017

Năm 2017 đánh dấu bước chuyển trong chính sách dân số của Thái Nguyên từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang nâng cao chất lượng dân số. Thực hiện mục tiêu đó, ngành Y tế đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao thể chất, trí tuệ và tinh thần cho người dân.

Công tác dân số của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung vào các mục tiêu cơ bản: phấn đấu đạt mức sinh thay thế, giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số; chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Để đạt được mục tiêu, tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp trong đó chú trọng đến việc thay đổi nội dung, hình thức tuyên truyền đến đông đảo nhân dân. Trong năm 2017, tỉnh đã tổ chức ký cam kết thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến từng hộ dân. Đồng thời, ký cam kết không tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin, các dịch vụ kỹ thuật về khám, chẩn đoán, sàng lọc liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; phá thai có liên quan đến lựa chọn giới tính với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong toàn thể nhân dân về thực hiện công tác dân số.

Thời gian qua, ngành Y tế tích cực phối hợp với các cấp, ngành triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân. Liên quan đến công tác nâng cao chất lượng dân số, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai một số mô hình: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng; đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh…

Mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được triển khai tại 28 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho tuổi vị thành niên, thanh niên. Trung tâm dân số - KHHGĐ các huyện, thành, thị đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn trực tiếp về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa phương, nhà máy, khu công nghiệp; phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức hội nghị tư vấn, tuyên truyền, giáo dục về dân số, giới tính, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Đồng thời, người dân còn được phát tài liệu, tờ rơi, nghe tuyên truyền trên loa phát thanh về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Đối với công tác chăm sóc sức khỏe NCT, tỉnh đã có nhiều biện pháp thúc đẩy cộng đồng, xã hội chung tay chăm sóc NCT. Hoạt động tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục được duy trì tại 5 xã (xã Tân Phú, xã Đông Cao, xã  Hồng Tiến của thị xã Phổ Yên; xã Động Đạt, xã Ôn Lương huyện Phú Lương). Các hoạt động tuyên truyền được lồng ghép trong hoạt động tư vấn và chăm sóc NCT tại các câu lạc bộ người cao tuổi hoặc chi hội người cao tuổi ở các xóm, phố. Trung bình hàng năm, có trên 35.000 NCT được khám sức khỏe định kỳ và cấp thuốc miễn phí; hàng nghìn NCT được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ...

Hoạt động tuyên truyền, vận động về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS&SS) tiếp tục được duy trì tại 180 xã, phường, thị trấn. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Trung tâm dân số các huyện, thành phố, thị xã đã tăng cường truyền thông lồng ghép, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hiệu quả của SLTS&SS. Kết quả, tính đến hết tháng 9-2017, toàn tỉnh đã sàng lọc cho 15.645/22.350 bà mẹ mang thai (chiếm 70%), triển khai dịch vụ SLSS miễn phí cho 145 trẻ sơ sinh thuộc gia đình chính sách. Qua sàng lọc đã giúp phát hiện sớm các loại bệnh như: Down, rối loạn di truyền, khuyết tật về tim, thiếu men G6PD... Hàng năm, số lượng người chủ động tham gia SLTS&SS ngày càng tăng, những trường hợp được phát hiện nghi ngờ bệnh đều được tư vấn, giới thiệu, chuyển đến các cơ sở y tế Trung ương để kiểm tra, hướng dẫn xử lý, điều trị kịp thời.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thái Nguyên cho biết: Công tác dân số đang đứng trước nhiều vấn đề mới, những thách thức mới như vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề già hóa dân số, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế. Vì vậy, bước chuyển từ mục tiêu KHHGĐ sang nâng cao chất lượng dân số vào thời điểm này là phù hợp. Chất lượng dân số được nâng cao sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, kinh tế - xã hội phát triển cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc thay đổi nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, tỉnh chủ trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược tổng thể, nâng cao toàn diện các thành tố của chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần; nâng cao chỉ số phát triển con người. Cải thiện chất lượng giống nòi thông qua các giải pháp can thiệp về kĩ thuật và xã hội nhằm giảm các yếu tố gây ảnh hưởng và làm suy thoái chất lượng dân số; tăng cường thể lực, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ dân số bị khuyết tật, giảm tỷ số tử vong mẹ và trẻ sơ sinh; tăng tuổi thọ và tuổi thọ bình quân khỏe mạnh; nâng cao trình độ dân trí... Từ đó, nhằm phát huy tiềm năng, tính năng động và phát triển toàn diện con người, xây dựng mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.