Hiện nay, do việc sử dụng rượu ngày càng tăng nên những tác động có hại của rượu lên sức khỏe và thể chất của con người cũng trở nên nghiêm trọng. Lượng người nhập viện do rối loạn tâm thần bởi nghiện rượu tại các cơ sở y tế cũng vì thế mà tăng cao. Ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên.
Có mặt tại Khoa Nam của Bệnh viện, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người đàn ông chân tay run rẩy, miệng liên tục chửi mắng, la hét, có người một mình đi tha thẩn, ánh mắt nhìn xa xăm vô định... Bác sĩ Trần Thị Định, Trưởng khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Đó là những biểu hiện của người sử dụng quá nhiều rượu dẫn đến rối loạn tâm thần. Người bệnh thường bị chứng ảo giác và ảo thanh, trong suy nghĩ luôn có những hình ảnh kỳ quặc như nhìn thấy sâu bọ, rắn rết đầy mình hoặc nghe thấy tiếng hăm dọa từ người xung quanh... Từ đó, không kiểm soát được bản thân, dẫn tới những việc gây hậu quả, ảnh hưởng đến công việc, gia đình.
Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Vũ Thanh Hiệp, ở tiểu khu Thọ Lâm, thị trấn Đu (Phú Lương). Dù mới 29 tuổi nhưng Hiệp đã có “thâm niên” nghiện rượu nặng hơn 3 năm nay. Bà Đoàn Minh Đạo, mẹ Hiệp buồn rầu: Từ năm 2013 đến nay, tôi đã nhiều lần khăn gói đưa con trai xuống điều trị tại đây. Trước kia, Hiệp vốn là một người hiền lành, ngoan ngoãn nhưng khi đi học chuyên nghiệp bị bạn bè xấu lôi kéo, thường xuyên nhậu nhẹt, bỏ bê việc học. Khi trong người có chất men, Hiệp thường hoang tưởng thấy có người chửi bố mình hoặc có cảm giác như hàng nghìn con sâu, con ròi đang gặm nhấm toàn thân. Vì thế mà Hiệp dần trở nên điên loạn, khiến cơ thể suy kiệt với các biểu hiện như chán ăn, chân tay run rẩy...
Còn anh Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1974, ở tổ 11, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), dù đã điều trị tại đây được hơn 20 ngày nhưng tinh thần vẫn chưa thực sự ổn định. Anh Tùng đã “làm bạn” với rượu được hơn 20 năm nay, bình quân mỗi ngày uống 1,5-2 lít. Khi được hỏi tại sao đến đây điều trị một mình mà không có người thân đi cùng chăm sóc, anh Tùng ngập ngừng: Chỉ vì uống quá nhiều rượu, không chí thú làm ăn nên kinh tế gia đình giảm sút. Khi say xỉn, tôi thường quát mắng, đánh đập vợ con, vì thế tình cảm gia đình, vợ chồng sứt mẻ. Sau mỗi lần tỉnh rượu, tôi cảm thấy ân hận bởi những hành vi của mình nhưng khi có rượu, tôi lại không kiểm soát được bản thân.
Theo thống kê của Khoa Nam, từ đầu năm đến nay, trong số gần 500 ca nhập viện do rối loạn tâm thần thì có tới 213 trường hợp sử dụng rượu (tăng hơn 40% so với năm 2016). Chỉ tính riêng từ cuối tháng 11 đến nay, Khoa đã tiếp nhận gần 40 trường hợp. Điều đáng nói là trong số này có đến gần 50% trường hợp có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 30-40 tuổi. Họ có đặc điểm chung đều là những lao động tự do, uống rượu từ 5-7 năm, thậm chí hơn 20 năm. Những người này nhập viện trong tình trạng sảng rượu với các triệu chứng như: lơ mơ, hoang tưởng, ảo giác và mắc một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá, huyết áp, gan, thận, mật...
Đối với những bệnh nhân này, hiện nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đang tích cực triển khai những giải pháp điều trị và cắt cơn cho người nghiện rượu dẫn đến loạn thần. Trong đó có tư vấn điều trị, can thiệp hỗ trợ và sử dụng liệu pháp tâm lý, tái khám. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, loạn thần do rượu cai không quá khó, sau 2-3 tuần là người bệnh có thể cắt cơn, nếu bệnh nhân hợp tác và quyết tâm thì tỷ lệ thành công là rất cao. Tuy nhiên, qua theo dõi hằng năm cho thấy, trong số các bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện thì có đến 70% phải tái điều trị. Nguyên nhân là do người bệnh khi trở về gia đình tiếp tục sử dụng rượu trở lại.
Thực tế hiện nay, số lượng người nghiện rượu ngày càng tăng do thói quen, dù vui hay buồn thì rượu vẫn được sử dụng khá phổ biến từ quán ăn bình dân đến nhà hàng, khách sạn sang trọng. Mặt khác, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại rượu được bán với giá khác nhau mà người dùng có thể dễ dàng mua được. Một nguyên nhân nữa là người dân chưa ý thức được tác hại nghiêm trọng của rượu nên đã lạm dụng thức uống này. Do đó, để góp phần hạn chế, giảm lượng người nghiện rượu, nhất là ở đối tượng thanh thiếu niên thì ngoài việc tuyên truyền giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu, bia cần phải xây dựng lối sống lành mạnh, tạo công ăn việc ổn định.