Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

11:04, 19/12/2017

Dành từ 1,5 đến 2 tỷ đồng mỗi năm, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên triển khai nhiều hoạt động công tác xã hội (CTXH) hỗ trợ cho hàng trăm nghìn bệnh nhân nghèo và người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh thành lập Phòng Công tác xã hội và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng từ năm 2015 với chức năng hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh; truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng…

Sau hơn 2 năm hoạt động, phòng đã tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc Bệnh viện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, qua đó, đội ngũ nhân viên CTXH và các cộng tác viên CTXH của Bệnh viện đã hỗ trợ, tư vấn cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh và người nhà bệnh nhân; hỗ trợ các khoa có người bệnh không có người nhà, người thân, người bệnh không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi… Trong 2 năm 2016-2017, đội ngũ nhân viên CTXH của bệnh viện đã thực hiện trên 80 hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; tiếp nhận, duy trì được trên 1 tỷ đồng Quỹ Bệnh nhân nghèo đặc biệt khó khăn, Quỹ Trái tim cho em và Quỹ Vì sức khỏe cộng đồng để hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…  Đặc biệt, Bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, tư vấn sử dụng thuốc an toàn hợp lý và cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người có công, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.

Mới đây nhất, chúng tôi đã có dịp cùng các bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện khám, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam Dioxin và người thuộc diện chính sách trên địa bàn một số xã của huyện Định Hóa tại trạm Y tế xã Bình Thành. Trong 1 ngày, trên 200 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam Dioxin và người thuộc diện chính sách đã được khám sức khỏe tổng quát và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, điện tim…

Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị May ở xóm Đồn, xã Bình Thành (Định Hóa) 93 tuổi, mắt đã lòa nhưng vẫn rất minh mẫn. Mẹ được người nhà đưa xuống tận Trạm để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Mẹ nóii với chúng tôi: Tôi rất vui bởi vì không chỉ hôm nay mà nhiều lần được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thăm khám, điều trị nhờ đó mà dù tuổi cao nhưng tôi vẫn giữ được sức khỏe ổn định. Còn ông Lưu Viết Tam (67 tuổi), nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở xóm Rịn 1, xã Bộc Nhiêu cho biết: Sự quan tâm của các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên động viên chúng tôi rất nhiều, giúp chúng tôi có thêm nghị lực vượt qua các căn bệnh do chất độc da cam dioxin gây ra.

Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh trao đổi với chúng tôi: Đây là hoạt động thường niên của Hội phối hợp với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để luân phiên tổ chức khám sức khỏe cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam, người thuộc diện chính sách trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp, tình nguyện khám chữa bệnh miễn phí của Bệnh viện. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ hội viên bảo đảm sức khỏe mà còn phần nào động viên các nạn nhân da cam đang hằng ngày phải chống chọi với bệnh tật do chất độc da cam dioxin gây ra.

Được biết, tính từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức gần 20 đợt khám, chữa bệnh phát thuốc miễn phí cho gần 7 nghìn người dân tộc thiểu số, người thuộc vùng đặc biệt khó khăn với kinh phí gần trên 2,5 tỷ đồng... Riêng năm 2017, Bệnh viện triển khai 7 đợt khám chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tư vấn giáo dục sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 3 nghìn người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Anh Đào Duy Kiên, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thông tin: Chúng tôi quan niệm nghề CTXH không đơn thuần là hỗ trợ nhân đạo, từ thiện mà hỗ trợ cộng đồng người yếu thế có điều kiện phát triển nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, giảm thiểu sự chênh lệch giữa các cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, ngoài các hoạt động trợ giúp bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện, chúng tôi luôn chú trọng các hoạt động hướng về cộng đồng. Chúng tôi cũng mong muốn được các tổ chức thiện nguyện, đơn vị, cá nhân hảo tâm và chính quyền các cấp đồng hành giúp đỡ những người bệnh gặp khó khăn khi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, từ đó thiết thực nâng cao sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh và trong khu vực miền núi phía Bắc.