Cảnh báo dịch bệnh mùa đông - xuân

11:41, 10/01/2018

Những ngày đầu năm 2018, thời tiết lạnh, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như sởi, cúm, viêm màng não... phát triển. Thêm vào đó, “dư âm” của một số dịch bệnh trong năm 2017 như: sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn còn tồn tại kéo theo nhiều mối lo đối với sức khỏe của người dân.

Bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Thị Thư, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Hiện đang là mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt trong những ngày nhiệt độ xuống thấp như những ngày gần đây khiến cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm. Do vậy, những người sức khỏe yếu, trẻ em, người già không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là với các bệnh như cúm, sởi, rubella, tiêu chảy, các bệnh đường hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi… Những ngày gần đây, tại Khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do viêm đường hô hấp cấp, bệnh cúm mùa…

Còn tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng khoảng 10-20% so với giai đoạn trước. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, ảnh hưởng của môi trường và các nguồn lây trung gian khiến cho trẻ em dễ mắc bệnh.

Theo Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tính đến thời điểm này, một số dịch bệnh bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2017 như: sốt xuất huyết, tay chân miệng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy vậy, thời gian gần đây bệnh sởi đang có những diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong cả nước. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế xã theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Theo các bác sĩ thì nguy cơ mắc bệnh sởi cao nhất là ở trẻ em và phụ nữ mang thai không được tiêm vắc xin phòng bệnh. Các triệu chứng của sởi gồm sốt liên tục, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, nổi ban... Bệnh sởi có nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não... Để phòng tránh những biến chứng của bệnh, việc giám sát, theo dõi và điều trị sớm là rất quan trọng.

Để phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, ngành Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng, chống dịch, tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng, tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến dưới thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo kịp thời, huy động tối đa mọi nguồn lực của địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền biện pháp phòng bệnh và đưa tin kịp thời các hoạt động triển khai về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn để người dân biết và chủ động tham gia. Cùng với đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sởi, rubella, cúm... Đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn bán trú, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, vệ sinh môi trường, lớp học, đồ dùng học tập... để tránh các bệnh truyền nhiễm lây lan.

Để phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân, theo các chuyên gia, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin được khuyến cáo. Đồng thời, bất kỳ ai cũng nên tiêm vắc xin phòng cúm. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (người nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…). Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời. Đối với những người mắc các bệnh mãn tính cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài hay hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp, thường xuyên theo dõi các chỉ số sức khỏe.