Những năm gần đây, số trường hợp mắc các bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, tiểu đường, hô hấp mạn tính, ung thư… ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Dù không lây lan rộng trong cộng đồng nhưng bệnh không lây nhiễm để lại nhiều di chứng với gia đình và xã hội. Tuy vậy, ý thức loại phòng bệnh này của người dân vẫn chưa cao.
Mới đây, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Việt ở xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) được đưa đến trong tình trạng hôn mê. Qua thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ kết luận ông Việt bị bệnh đái tháo đường. Tuy vậy, bệnh nhân và gia đình không hề biết về việc mắc bệnh dẫn đến tình trạng đường huyết tăng cao gây rối loạn điện giải, mất nước và hôn mê.
Trường hợp của ông Việt chỉ là một trong số nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi gặp phải vấn đề về sức khỏe. Theo thống kê chưa chính thức tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, chỉ có khoảng 10% người dân phát hiện ra các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hô hấp mạn tính, ung thư… thông qua các đợt khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ Vi Trần Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Những năm trở lại đây, số bệnh nhân mắc ung thư đang dần gia tăng với độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, có khoảng 120-140 bệnh nhân ung thư điều trị tại Trung tâm. Trong đó, phần lớn bệnh nhân không nhận được chẩn đoán chính xác ở giai đoạn sớm và chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn 2-3 với những triệu chứng tương đối nặng. Lúc này, việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện đang quản lý 11.256 người bệnh cao huyết áp, tăng 235,6% so với năm 2015 (4.777) người. Trong đó, số bệnh nhân điều trị đạt huyết áp mục tiêu là 7.068 người; số bệnh nhân tăng huyết áp có biến cố (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…) là 220 người. Năm 2017, tổng số bệnh nhân ung thư được quản lý trên địa bàn tỉnh là 1.163 người; bệnh nhân phổi tắc ngãn mạn tính (COPD) là 538 người; số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường được tư vấn và quản lý là 3.050 lượt người…
Theo các bác sĩ, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, lối sống ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu, bia và thức ăn có chứa nhiều chất béo… là những yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm. Điều đáng nói là các bệnh không lây nhiễm có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng tương đối nặng nề đối với bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 75% tổng số ca tử vong hàng năm, nghĩa là cứ 10 người tử vong thì có 7 người chết do mắc bệnh không lây nhiễm, chủ yếu do các bệnh: tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính… Trong khi đó, các bệnh này thời gian ủ bệnh dài, chi phí điều trị lớn, có khi kéo dài suốt cuộc đời, phần lớn số bệnh nhân phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đnag triển khai một số mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm như: quản lý ngoại trú COPD và hen phế quản, quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; phòng tư vấn về bệnh đái tháo đường… Tuy vậy, số người được sàng lọc, tư vấn, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nguyên nhân là do hầu hết người dân chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm. Thêm nữa, nhiều người tham gia điều trị không dứt điểm, thậm chí bỏ ngang liệu trình khi tự thấy tình trạng bệnh thuyên giảm.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thông tin: Trước tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, trong thời gian tới, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, khám sàng lọc và phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Trung tâm sẽ tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, hóa chất, vật tư cho công tác quản lý, khám, tư vấn, điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Từ đó, góp phần hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh, giảm thiểu nguy cơ tàn tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm.