Việc khó có con, sức khỏe yếu, gánh nặng kinh tế là những lý do khiến những nữ bệnh nhân chạy thận không dám mơ đến. Thế nhưng, chị Lê Thị Yến, cán bộ Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình đã làm được nhiều hơn thế bởi nghị lực phi thường và khao khát mãnh liệt được làm mẹ.
Cùng Liên đoàn Lao động huyện và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình đến thăm, tặng quà gia đình nhỏ của chị Lê Thị Yến ở xóm Thuần Pháp xã Điềm Thụy, mọi người đều vui mừng cho chị khi ca mổ, ghép thận của chị Yến đã thành công. Trước đó, chị bị suy thận và thường xuyên phải chạy thận, gắn bó với giường bệnh nhiều năm. Chị đã khiến nhiều người trong hoàn cảnh tương tự và các bác sĩ điều trị phải vô cùng ngạc nhiên khi vừa điều trị bệnh vừa mang thai. Bởi với những người phụ nữ bị suy thận, khả năng làm mẹ gần như là rất khó. Tuy nhiên, chị là một trong hai trường hợp từ trước đến nay điều trị tại bệnh viện Bạch Mai đã may mắn được làm mẹ khi phải kiên cường đấu tranh với bệnh tật, chạy thận thường xuyên.
Nhìn cô con gái Mạc Bảo Ngọc được hơn 2 tuổi bi bô gọi mẹ, chị Yến vẫn chưa tin hạnh phúc với mình là có thật. Chị chia sẻ: Việc có con thật sự là điều không tưởng với vợ chồng tôi. Thế nhưng các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đã biến niềm khao khát đó thành hiện thực. Tôi lập gia đình năm 2014, sau đó vài tháng, tôi phát hiện mình bị suy thận. Cũng từ đó, cuộc sống của tôi gắn liền với bệnh viện, sống nhờ chiếc máy chạy thận chu kỳ 2 lần/tuần…
Qua các tài liệu và kiến thức có được, chị Yến biết việc có con đối với một người như chị là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Thế nên, năm 2015, khi phát hiện có thai, chị vô cùng hạnh phúc nhưng cũng rất lo lắng. Chị thổ lộ: Thật may mắn, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị cho một sản phụ chạy thận 7 năm sinh con thành công. Gia đình tôi đã ngay lập tức xin chuyển xuống Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai để nhờ các y, bác sĩ chăm sóc và theo dõi cho hai mẹ con.
Người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ giữ thai khó khăn hơn cả trăm lần. Vì vậy, một quy trình đặc biệt do một nhóm bác sĩ có kinh nghiệm trực tiếp xây dựng dành riêng cho bệnh nhân lọc máu chu kỳ mang thai sinh con. Với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu cao hơn người bình thường, sự phát triển của thai nhi rất khó khăn. Bên cạnh đó, người mẹ phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc: thuốc huyết áp, thuốc chống đông… Khoa Thận nhân tạo đã phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ Khoa Sản theo dõi từng ngày, điều chỉnh cân nặng, theo dõi huyết áp, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của bánh rau, của thai nhi.
Và những nỗ lực của các thầy thuốc, khao khát làm mẹ của chị Yến đã được đền đáp, ngày 26/2/2016, bé gái Mạc Bảo Ngọc đã chào đời trong niềm vui của gia đình và tập thể thầy thuốc Khoa Thận nhân tạo, Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai. Cháu bé được sinh mổ ở tuần thai thứ 31 với trọng lượng 1.200g. Sau 2 tuần được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, ngày 11/3/2016, cháu Bảo Ngọc đã được ra viện khỏe mạnh với trọng lượng 1.500g.
Anh Dương Đại Đồng, Phó trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình cho biết: Những lúc sức khỏe cho phép, chị Yến lại miệt mài với công việc. Do đặc thù công việc và sức khỏe yếu nên cơ quan luôn tạo điều kiện cho chị vừa làm việc vừa chữa bệnh. Dù vậy nhưng chị cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao và tham gia đầy đủ các hoạt động của cơ quan.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, bé Ngọc giờ đã biết chạy đi trong niềm vui từng ngày của người mẹ trẻ. Nghị lực của chị Yến trong công việc, chống chọi với bệnh tật để giành lấy niềm hạnh phúc được làm mẹ đã thực sự truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác. Khi chúng ta cố gắng nỗ lực hết mình, hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười chào đón.