Nguy hiểm khi thai làm tổ tại vết mổ cũ

17:49, 14/10/2018

Chửa vết mổ là tình trạng bệnh lý thai làm tổ tại vị trí vết mổ cũ trên tử cung của người mẹ đã từng mổ lấy thai trong lần sinh trước. Dù chỉ có khoảng 1% phụ nữ đã từng mổ lấy thai gặp phải tình trạng bệnh lý này khi mang thai lần sau nhưng bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt và nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

 

Đầu tháng 10-2018, Bệnh viện A tiếp nhận bệnh nhân N.V.H 30 tuổi ở T.P Thái Nguyên xác định bị chửa tại vết mổ nhập viện cấp cứu trong tình trạng đã có chảy máu trong ổ bụng. Qua chẩn đoán, xác định tuổi thai 13 tuần, chiều dài thai 7cm. Thông thường, các trường hợp thai to như bệnh nhân này không thể hủy thai qua đường âm đạo mà phải chỉ định phẫu thuật cắt tử cung. Tuy nhiên, bệnh nhân tha thiết đề nghị giữ tử cung nên các bác sĩ Bệnh viện A chỉ định và khẩn trương truyền máu, phẫu thuật lấy khối thai, cắt lọc tổn thương, khâu bảo tồn tử cung. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, ra viện khỏe mạnh. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng tiếc vì quá trình đi khám, bệnh nhân dù đã biết chửa vết mổ nhưng vẫn không thực hiện bỏ thai theo khuyến cáo của bác sĩ khi thai còn nhỏ. Chỉ đến khi thai to gây rạn vết mổ, chảy máu trong ổ bụng mới nhập viện và các bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Bằng, Phó Giám đốc Bệnh viện A: Chửa vết mổ là hình thái làm tổ không đúng vị trí của phôi. Thông thường, sau khi được thụ tinh, phôi sẽ bám vào vùng thân hoặc đáy tử cung - nơi có các điều kiện phù hợp về không gian, độ dày lớp cơ tử cung, niêm mạc để làm tổ và sinh trưởng. Tuy nhiên, vì một lý do bất thường, phôi lại bám ở nơi có vết sẹo mổ trước và phát triển thành túi thai. Tại vị trí này, lớp cơ mỏng, điều kiện dinh dưỡng kém nên trong quá trình sinh trưởng các gai rau có thể xuyên thủng thành tử cung gây nứt, vỡ thành tử cung, chảy máu trong ổ bụng, thậm chí gai rau có thể xuyên vào thành bàng quang, việc xử trí vô cùng phức tạp, nguy hiểm. Trong khi đó, phôi đã làm tổ tại khu vực sẹo mổ thì không thể di chuyển tới vị trí khác, chính vì vậy, tất cả người bệnh khi đã được chẩn đoán xác định thai làm tổ tại vết mổ đều phải chỉ định bỏ thai càng sớm càng tốt.

Cũng theo bác sĩ Bằng, mỗi năm Bệnh viện A phát hiện và điều trị kịp thời cho hàng chục bệnh nhân chửa vết mổ. Thông thường, bệnh nhân phát hiện chửa vết mổ khi thai nhỏ và túi thai không nằm quá sâu vào thành tử cung thì có thể  được chỉ định hút thai giống như những thai thông thường khác. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân chửa vết mổ, nguy cơ chảy máu thường rất cao bởi vì vùng tử cung nơi thai làm tổ trên vết sẹo thường giãn mỏng, trong khi các mạch máu nuôi dưỡng tăng sinh rất nhiều. Nếu bệnh nhân chảy máu mà không cầm máu được thì buộc phải mổ cắt tử cung.

Mới đây, Bệnh viện A đã triển khai thành công phương pháp hủy thai làm tổ tại vết mổ bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm. Đây là môt phương pháp hiện đại, an toàn đặc biệt bảo tồn được tử cung, từ đó bảo tồn được chức năng sinh sản cho người phụ nữ. Thay vì hút thai theo cách thông thường với nguy cơ chảy máu cao, trong phương pháp này, dưới hướng dẫn của siêu âm đầu dò âm đạo, các bác sĩ đưa một kim chuyên dụng nhỏ vào hút lấy phôi thai và giữ nguyên túi ối. Sau khi hút lấy phôi thai, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày và được tái khám, theo dõi định kỳ. Khi phôi thai không còn, các mạch máu nuôi dưỡng thai không còn chức năng sẽ tự tắc mạch sinh lý, cắt nguồn nuôi dưỡng cho túi ối và làm cho túi ối tự teo đi và bị đào thải tự nhiên ra ngoài cơ thể người mẹ. Trong rất hiếm các trường hợp cơ thể không tự đào thải, bệnh nhân sẽ tiếp tục được chỉ định hút túi ối theo cách hút thai thông thường. Lúc này, vì các mạch máu không còn nuôi dưỡng túi ối nên cơ bản sẽ không còn nguy cơ bị chảy máu hay các tai biến nguy hiểm khác.

Bác sĩ Chuyên khoa I Vũ Đào Minh Thông - người trực tiếp thực hiện kỹ thuật hiện đại này cho biết: Kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm đầu dò âm đạo là kỹ thuật hiện đại, đã được Bệnh viện vận dụng nhiều năm nay trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để loại bỏ bớt số thai, bảo đảm an toàn cho sản phụ có đa thai (từ 3 thai trở lên). Riêng trong tháng 9-2018, Bệnh viện đã thực hiện hủy thai thành công bằng phương pháp này cho 4 bệnh nhân thai làm tổ tại vết mổ.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Liên, 36 tuổi, thường trú tại tổ 2, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) là một trong 4 bệnh nhân chửa vết mổ được hút thai theo phương pháp mới tại Bệnh viện A cho biết: Tôi phát hiện mình chửa vết mổ khi đi siêu âm ở một phòng khám tư, tôi rất lo lắng vì phương pháp hút thai thông thường sẽ gây nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe. May mắn được người quen giới thiệu nên tôi đã chọn Bệnh viện A để được điều trị theo phương pháp mới. Gần 1 tuần sau khi thực hiện hút phôi thai, sức khỏe tôi đã ổn định, không đau bụng, không ra huyết. Lần khám mới đây, các bác sĩ thông báo khối thai trong tử cung tôi đã ngừng phát triển và không còn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hà Hải Bằng cho biết: Phương pháp này chỉ có thể loại bỏ thai dưới 12 tuần tuổi, vì vậy, chúng tôi khuyến cáo những người đã từng sinh mổ, khi có thai lại, cần được thăm khám sớm để xác định vị trí chính xác của túi thai. Khi thai làm tổ ở vị trí bất thường, nhất định phải được các bác sĩ tư vấn và lựa chọn phương pháp xử trí phù hợp, an toàn, càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.