Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là 1 trong số 10 bệnh viện trong cả nước thực hiện Dự án Hỗ trợ chăm sóc và điều trị người bệnh viêm gan vi rút C. Từ tháng 9-2018, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Dự án này.
Bệnh viêm gan C diễn tiến rất thầm lặng, thời gian có thể kéo dài từ 10 - 30 năm, vì thế người bệnh thường không quan tâm để điều trị kịp thời. Những trường hợp mắc bệnh viêm gan C chủ yếu trong độ tuổi từ trên 40 đến 45, số người trẻ chưa được phát hiện mấy vì họ chưa chú ý đến việc khám sức khỏe, tầm soát bệnh tật. Điều đáng lo ngại nhất là bệnh viêm gan C mạn tính có thể biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan. Tỷ lệ biến chứng xơ gan, ung thư gan cũng cao hơn rất nhiều so với viêm gan B. Phần lớn người mắc bệnh viêm gan C mạn tính cũng không có triệu chứng gì và vẫn sống gần như bình thường, chỉ đến khi bị xơ gan hoặc ung thư gan mới biểu hiện các triệu chứng thì họ mới đến cơ sở y tế để điều trị.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Thư, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên): Tỷ lệ mắc viêm gan C chỉ chiếm từ 2-3% trong cộng đồng, nhưng nếu người bệnh không được điều trị thì nguy cơ bị ung thư gan rất cao. Sau hơn 2 tháng triển khai, đã có gần 40 người được tiếp cận dự án để điều trị bệnh. Nếu thực hiện phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì khả năng người bệnh điều trị khỏi lên tới 95%.
Được biết, cách đây khoảng 5 năm, điều trị bệnh viêm gan C là thuốc tiêm, liệu trình điều trị lên tới 2 năm, người bệnh phải chi phí tới vài trăm triệu đồng. Hiện, theo phác đồ điều trị mới thì tiền thuốc mà người bệnh phải chi trả đã giảm rất nhiều, chỉ còn khoảng 30 đến 40 triệu đồng. Tiếp cận dự án, người bị bệnh viêm gan C được mua thuốc giá ưu đãi với chi phí mua thuốc trong 12 tuần điều trị là 11 triệu đồng, giảm 60% so với giá thuốc hiện tại.
Bước vào thực hiện dự án, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có công văn gửi tới tất cả các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh, các trạm y tế tư vấn cho người bệnh viêm gan C và những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm biết và tiếp cận điều trị. Tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, pa nô, áp phích cũng được dán tại nơi dễ quan sát. Trong tổng số 6.000 người xét nghiệm, đã có 261 trường hợp dương tính với vi rút viêm gan C, song số tiếp cận với được với dự án rất thấp. Đến thời điểm này cũng chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là kết thúc, bản thân bác sĩ Hoàng Thị Thư cũng thấy rất tiếc bởi nhiều trường hợp không tiếp cận được với dự án.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng (sinh năm 1968), phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) hiện đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Tôi bị bệnh viêm gan C từ nhiều năm nay nhưng không điều trị dứt điểm. Mấy hôm rồi bị chướng bụng, vàng da không ăn, ngủ được nên vào Khoa điều trị. Hiện hiện đang chờ kết quả xét nghiệm để có thể được điều trị theo dự án.
Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Thư cũng khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan C: Đối với những trường hợp có nguy cơ cao như đối tượng tiêm chích ma túy; trong gia đình có người bị viêm gan C, cán bộ y tế (cũng là đối tượng có rất nhiều nguy cơ) nên tầm soát xem có mắc hay không. Bởi vì bệnh viêm gan C khác với các loại bệnh khác là chỉ cần có nhiễm, định lượng vi rút có dương tính là có chỉ định điều trị luôn. Bởi thế phát hiện và điều trị sớm thì hiệu quả sẽ rất tốt. Phác đồ điều trị cũng đơn giản là sử dụng thuốc uống, bệnh nhân có thể ở nhà, không phải vào viện, chỉ cần mỗi tháng người bệnh đến khám theo định kỳ và bác sĩ kê đơn thuốc uống tiếp. Quan trọng là người bệnh phải tuân thủ hác đồ điều trị mà thôi.
Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia tham gia chương trình “Quick-Start” do Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI) phối hợp với tổ chức AmeriCares hỗ trợ. Tháng 10 năm 2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Dự án Hỗ trợ, chăm sóc và điều trị người bệnh viêm gan vi rút C” do Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chủ trì theo Quyết định số 6172/QĐ-BYT với mục tiêu tăng cường tiếp cận điều trị cho 2.000 người bệnh viêm gan vi rút C, thực hiện mô hình phân cấp điều trị xuống tuyến tỉnh, huyện trong giai đoạn 2017-2018.