Là một trong những đơn vi đi đầu trong triển khai mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp tại trạm y tế các xã, thị trấn của huyện Phú Bình, gần 1 năm nay, Trạm Y tế xã Điềm Thụy đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người dân. Không chỉ giúp theo dõi bệnh ngay từ tuyến y tế cơ sở; giảm tải cho tuyến trên; đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại cộng đồng, việc quản lý bệnh nhân tăng huyết áp theo hình thức này còn giúp người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí khám, chữa bệnh.
Chị Dương Thị Hưởng, Trạm Phó Trạm Y tế xã Điềm Thụy cho biết: Trạm quản lý, điều trị bệnh nhân tăng huyết áp từ tháng 12-2017. Trạm đã được hỗ trợ máy đo, tủ thuốc, giá để bệnh án, đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh nhân giúp việc theo dõi, cấp phát thuốc được tốt hơn. Bà con không phải mất thời gian, công sức về Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, Bệnh viện Gang thép… khám và lấy thuốc như trước đây.
Thời gian đầu, Trạm tiếp nhận hơn chục bệnh nhân nhưng đến nay đã tăng lên 61 người. Để việc quản lý bệnh nhân đạt hiệu quả, đội ngũ cán bộ của Trạm được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực khám, chẩn đoán và điều trị bệnh do Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức... Ngoài ra, gần 1 năm qua, Trạm tổ chức được 4 buổi truyền thông cho trên 200 lượt người tăng huyết áp và có nguy cơ mắc bệnh tham gia. Cùng với việc kiểm tra huyết áp, tư vấn cho người dân cách phòng tránh, theo dõi và điều trị bệnh, tại các buổi truyền thông, Trạm còn lấy máu làm xét nghiệm đường huyết cho người dân, qua đó đã giúp bà con phát hiện bệnh tiểu đường kịp thời. Hiện, sức khỏe các bệnh nhân tăng huyết áp đang được quản lý tại Trạm ổn định, không có trường hợp tai biến.
Ngoài điều trị theo phác đồ, người bệnh còn được cán bộ Trạm hướng dẫn tự đo, ghi chép, theo dõi chỉ số huyết áp, là cơ sở để bác sĩ nắm bắt diễn biến bệnh lý, tư vấn điều chỉnh chế độ sinh hoạt, sử dụng thuốc. Bà Hà Thị Lan, 58 tuổi, ở xóm Hanh, xã Điềm Thụy nói: Năm 2015, tôi thấy cơ thể rất mệt mỏi, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, đau đầu… Sau đó tôi được các con đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Gang thép (T.P Thái Nguyên). Thời điểm đó, huyết áp của tôi là 175/100. Điều trị một thời gian, huyết áp ổn định tôi được xuất viện. Tuy nhiên, tháng nào tôi cũng phải đến Bệnh viện Gang thép khám, lấy thuốc mất nhiều thời gian, đi lại tốn kém. Từ cuối năm 2017, khi được giới thiệu về điều trị ngoại trú tại xã, được y, bác sĩ tận tình kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng phác đồ và tư vấn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, huyết áp của tôi ổn định, tinh thần phấn chấn.
Có thể thấy, mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp được triển khai tại xã Điềm Thụy đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn không ít người dân có tâm lý muốn lên tuyến trên khám, điều trị để dùng thuốc tốt hơn… Do đó, để duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống bệnh tăng huyết áp trên địa bàn xã Điềm Thụy nói riêng, tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh nói chung thì việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa của chương trình này là rất cần thiết. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, để việc phòng, chống bệnh tăng huyết áp có hiệu quả, mỗi một người dân nên hiểu, việc điều trị tăng huyết áp là liên tục, lâu dài, cần sự kiên trì. Bởi vậy, đòi hỏi người bệnh phối hợp chặt chẽ với các y, bác sĩ trong quá trình điều trị mới đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, trên cả nước, trong đó có Thái Nguyên, ngày càng có nhiều người tăng huyết áp, tập trung chủ yếu ở nhóm người trung, cao tuổi. Đối với người bị tăng huyết áp, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần so với người bình thường.