Đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động đến giới trẻ

11:40, 28/12/2018

Đó là một trong những ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) tại buổi kiểm tra thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo…

Cũng tại buổi làm việc, sau khi nghe các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ của tỉnh thảo luận, làm rõ cách thức, hình thức và kết quả đạt được trong việc thực hiện CVĐ, cùng những đề xuất, kiến nghị, đồng chí Tô Hoài Nam đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh tới cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CVĐ.

Đồng chí khẳng định, thông qua CVĐ, tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đang từng bước thay đổi theo hướng yên tâm, tin tưởng hơn vào hàng Việt. Cùng với đó, cũng giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước biết trân trọng hơn thị trường nội địa.

Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, để hàng Việt có được chỗ đứng vững chắc hơn trên chính thị trường nội địa thì tự bản thân các doanh nghiệp, nhà sản xuất và mỗi người dân phải tự ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được lòng tin với người tiêu dùng, để mỗi người dân sẽ là một tuyên truyền viên giúp người Việt mong muốn sử dụng hàng  Việt. Ở một khía cạnh khác, đồng chí Tô Hoài Nam đề nghị, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm hơn công tác tuyên truyền đến thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, giúp những chủ nhân tương lai của đất nước thấy được niềm tự hào cũng như trách nhiệm của mình trong việc đóng góp xây dựng, phát triển đất nước.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế đó là: Chất lượng một số hàng Việt đưa về địa bàn vùng sâu, xa chưa cao; mẫu mã không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; số lần đưa hàng Việt về thị trường nông thôn còn ít; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng gian lận thương mại, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn, làm giảm uy tín của hàng Việt, gây ảnh hưởng đến lòng tin người tiêu dùng…

Vì thế, một trong những giải pháp được đưa ra cho năm 2019 đó chính là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình: “Xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa nông sản”, “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu công nghiệp”; tổ chức Hội chợ triển lãm “Mỗi xã phường một sản phẩm”…