Theo thống kê, toàn tỉnh hiện tại có trên 16 nghìn người mắc bệnh tăng huyết áp, trong đó khoảng 10 nghìn người đang điều trị tại các cơ sở y tế. Số lượng bệnh nhân đang ngày càng có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, gây áp lực quả tải lớn đối với các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Để góp phần nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, từ đầu năm 2017, Sở Y tế đã thực hiện mô hình quản lý điều trị ngoại trú bệnh nhân tăng huyết áp tại 69/180 trạm y tế xã, phường, thị trấn, bước đầu cho hiệu quả tích cực.
Bệnh tăng huyết áp là một loại bệnh mạn tính thường xảy ra ở những người cao tuổi, tuy có biến chứng nguy hiểm nhưng nếu được theo dõi và điều trị đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh sẽ được kiểm soát, nên có thể điều trị tại các trạm y tế xã. Vì thế, để chuyển giao mô hình quản lý điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp từ bệnh viện tuyến huyện về các trạm y tế xã, Sở Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm Xã hội tỉnh về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người mắc bệnh mạn tính được thuận lợi.
Sở Y tế cũng chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm y tế các huyện thẩm định năng lực thực tế của các trạm y tế về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị để quản lý bệnh nhân tăng huyết áp; tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh tăng huyết áp cho 194 bác sĩ tuyến xã. Sau khi được chuyển về tuyến xã quản lý, bệnh nhân tăng huyết áp sẽ tiếp tục được dùng thuốc và khám định kỳ theo phác đồ của bệnh viện tuyến huyện chỉ định. Sau 3 đến 6 tháng, bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến huyện để làm các xét nghiệm, đánh giá lại kết quả điều trị.
Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình là đơn vị thực hiện đưa bệnh nhân tăng huyết áp đưa về tuyến xã điều trị với số lượng bệnh nhân nhiều nhất tỉnh. Mỗi năm, Bệnh viện khám, chữa bệnh cho khoảng 90 nghìn đến trên 100 nghìn lượt người, trong đó, bệnh nhân tăng huyết áp chiếm trên 10%, điều này gây áp lực quá tải lớn đối với Bệnh viện. Từ tháng 11-2017 đến nay, Bệnh viện đã đưa 1.006 bệnh nhân về điều trị tại 12 trạm y tế xã. Với bệnh nhân bị tăng huyết áp có tần xuất khám lại 1 lần/tháng, Bệnh viện sẽ giảm được trên 12 nghìn lượt khám trong năm nay.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 1.500 bệnh nhân tăng huyết áp điều trị tại các cơ sở y tế, mỗi năm, số lượt khám phát hiện mắc mới từ 600 - 800 bệnh nhân và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị tại các cơ sở tuyến xã còn thấp. Để quản lý hiệu quả các bệnh nhân tăng huyết áp, trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị tuyến xã tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp và tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển những bệnh nhân tăng huyết áp đã ổn định về tuyến xã điều trị, góp phần giảm tải cho Bệnh viện.
Đối với địa bàn huyện Định Hóa, hiện có khoảng 1.700 bệnh nhân tăng huyết áp. Bác sĩ Nguyễn Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Định Hóa cho biết: Mặc dù là một trong những đơn vị tuyến huyện thực hiện đưa bệnh nhân tăng huyết áp về điều trị ở tuyến xã sớm nhất, nhưng do phần lớn các trạm đều chưa được thẩm định, nhiều trạm có đội ngũ y, bác sĩ chưa được tập huấn để thực hiện quản lý, điều trị cho nhiều bệnh nhân tăng huyết áp cùng lúc. Vì thế, toàn huyện mới có 289 bệnh nhân được chuyển về điều trị tại các trạm y tế ở 5 xã: Đồng Thịnh, Bình Yên, Linh Thông, Quy Kỳ, Sơn Phú, Tân Thịnh. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đề xuất với Sở Y tế thẩm định, đầu tư trang thiết bị y tế đối với các trạm y tế xã còn lại, ưu tiên đề xuất các trạm xa với trung tâm huyện, trạm đã có bác sĩ, trang thiết bị và thuốc điều trị đảm bảo việc khám, cấp phát thuốc.
Bác sĩ Lôi Đình Thiên, Trạm Y tế xã Quy Kỳ cho biết: Để Trạm có đủ điều kiện tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân tăng huyết áp, từ đầu năm 2017, tôi đã được Trạm cử đi tập huấn lại về khám và điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Định Hóa. Đến nay, Trạm đã tiếp nhận trên 59 bệnh nhân tăng huyết áp từ Bệnh viện về tiếp tục điều trị. Bệnh nhân được điều trị tại Trạm đều là những bệnh nhân đã được điều trị ổn định tại Bệnh viện huyện, chưa có biến chứng do bệnh tăng huyết áp gây ra, những bệnh nhân có tiến triển xấu sẽ ngay lập tức được Trạm yêu cầu đến khám tại Bệnh viện huyện.
Ông Đỗ Văn Quynh, xóm Nà Rọ, xã Quy Kỳ cho biết: Tôi phát hiện ra mình bị huyết áp mạn tính từ năm 2014 phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Định Hóa. Mỗi tháng, tôi phải đi 12km đến Bệnh viện để khám, đi lại rất vất vả. Đến tháng 2/2017, tôi được các bác sĩ tại Bệnh viện đề nghị chuyển về tuyến xã để tiếp tục điều trị và chỉ phải đến Bệnh viện 3 tháng/lần.
Với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân và sự gia tăng nhanh số lượng các bệnh nhân điều trị tăng huyết áp, các cơ sở y tế trên toàn tỉnh gây áp lực quá tải cho các bệnh viện. Việc thực hiện mô hình quản lý điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp tại các trạm y tế xã đang góp phần không nhỏ trong việc giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến huyện, nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở và đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu.