Xoắn tinh hoàn là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Tỷ lệ xoắn tinh hoàn hàng năm khoảng 4.5/1.000 nam giới ở độ tuổi dưới 25. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuổi dậy thì. Đối với trẻ em sinh đôi, trẻ thứ hai có tỷ lệ mắc bệnh từ 25-50%.
Xoắn tinh hoàn có thể coi là một tối cấp cứu, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể cứu được tinh hoàn, ngược lại nếu xử trí muộn thường phải cắt tinh hoàn. Khi cắt bỏ tinh hoàn thì không những ảnh hưởng đến việc sinh con cái do thiếu tinh trùng, mà còn ảnh hưởng đến nhiều triệu chứng toàn thân do thiếu testosteron. Tinh hoàn có khả năng phục hồi 83% khi xử lý sớm trước 6-8 giờ, 70% trước 10 giờ và sau 10 giờ còn 10%.
Mới đây, Khoa Ngoại Nhi tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 12 tuổi có biểu hiện sưng đau bìu, đi khám và được chẩn đoán viêm tinh hoàn, được kê đơn thuốc về điều trị. Sau 5 ngày không đỡ, bệnh nhi đã được đưa vào Khoa Ngoại Nhi khám và các bác sĩ chẩn đoán là xoắn tinh hoàn, được tiên lượng trước phẫu thuật khó có khả năng bảo tồn được tinh hoàn. Khi mổ thấy tinh hoàn màu đen, xoắn 3 vòng rất chặt và phải cắt bỏ một bên tinh hoàn.
Tại Thái Nguyên, bệnh lý này chưa được phổ cập rộng rãi, nên tỷ lệ chẩn đoán sớm và khả năng bảo tồn tinh hoàn vẫn còn thấp. Ths.Bs Châu Văn Việt, Trưởng Khoa Ngoại Nhi - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khuyến cáo đến tất cả các bậc phụ huynh, khi trẻ có biểu hiện sưng đau bìu đột ngột phải đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời tránh phải cắt bỏ tinh hoàn (Liên hệ tư vấn: Khoa Ngoại Nhi - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên– 0868950368).