Theo báo cáo của Vụ Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trong 9 tháng năm 2018, số mang thai ở tuổi vị thành niên là 78.963 trường hợp trên tổng số 1.779.767 phụ nữ có thai. Tỷ lệ vị thành niên có thai chung của toàn quốc là 4,4%, cao hơn khá nhiều so với năm 2017, trong đó miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có tỷ lệ cao đáng lưu ý (tương ứng với 5,19 và 4,34%). Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2018, có 214 ca có thai ở tuổi vị thành niên trên tổng số 14.985 phụ nữ có thai trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng dân số, giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn của vị thành niên, thanh niên và công tác dân số trong tình hình mới, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên (VTN/TN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua được các cấp, các ngành, đơn vị quan tâm.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ: “Lực lượng vị thành niên, thanh niên (10 đến 19 tuổi) chiếm tỷ lệ tương đối lớn, khoảng 33% từ trong tổng dân số. Với tỷ lệ lớn như vậy nên việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) VTN/TN, để cho các em có những kiến thức, hành trang và kỹ năng trong thời gian tiếp theo rất quan trọng.
Đối với ngành Y tế, ngoài các hoạt động CSSKSS cho vị thành niên, thanh niên thời gian qua với những nội dung từ công tác tuyên truyền, cung cấp kiến thức nội dung liên quan đến CSSKSS tại các trường học, các khu công nghiệp, những nơi tập trung số lượng lớn thành niên. Ngành Y tế cũng đã triển khai các nội dung từ cấp học: THCS, THPT. Thông qua các buổi ngoại khóa, lồng ghép trong các chuyên đề của môn Giáo dục công dân để cung cấp kiến thức về CSSKSS đến cho các em.
Còn đối với các khu công nghiệp, chủ động mời các chuyên gia cung cấp kiến thức về CSSKSS vị thành niên, cung cấp dịch vụ này tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động triển khai như vậy cũng chưa được nhiều, vừa rồi chúng tôi cũng có những khảo sát về các đối tượng về cung cấp kiến thức cho VTN/TN trong các trường học thì các em cũng biết nhưng chưa đầy đủ về các nội dung một cách chi tiết.”
Theo bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: “Hiện nay, việc thai ở lứa tuổi VTN/TN đang có xu hướng tăng dần do tác động của nhiều vấn đề trong đó có vấn đề quản lý của gia đình, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các địa phương, trường học, và bản thân cũng tiếp thu nhận thức của các cháu cũng chưa được tốt, đặc biệt là theo trào lưu mà mạng internet nói về vấn đề hoạt động tình dục cũng tương đối thoải mái, thế nên các cháu tiếp nhận và dễ dẫn đến tình trạng buông thả, có thai ở tuổi VTN.
Trong hai năm vừa rồi, Khoa Sản Bệnh viện tiếp nhận từ 12-14 bệnh nhân, trong đó có những cháu mới 14 tuổi, còn trung bình từ 15-16 tuổi. Do cơ thể của VTN chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là cơ quan sinh dục nên khi có thai sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều trong thời kỳ mang thai, dẫn đến tình trạng thai kém phát triển, suy dinh dưỡng bào thai, sảy thai, thai lưu.
Nguy cơ đáng sợ nhất đối với lứa tuổi VTN là khi đẻ dẫn tới tình trạng vỡ tử cung, đờ tử cung, băng huyết, chảy máu tỷ lệ rất cao. Qua nghiên cứu năm 2010, chúng tôi có làm đề tài chảy máu sau đẻ, số các cháu đẻ tại đây rất ít so với sản phụ bình thường nhưng tỷ lệ tai biến, băng huyết sau đẻ đứng đầu. có những trường hợp chúng tôi phải thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân, vừa truyền máu, vừa hồi sức và phải mổ cắt tử cung…”
Đối với lứa tuổi VTN/TN, các em ở trong độ tuổi đang thay đổi rất nhiều về thể chất cũng như là tâm, sinh lý. Đặc biệt là sự tò mò, thiếu hiểu biết về giới tính chưa đầy đủ về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Do chưa được biết hoặc cung cấp đầy đủ về kiến thức CSSKSS cho VTN/TN như có thai ngoài ý muốn, không được trang bị kiến thức sử dụng các biện pháp tránh thai, phòng vệ có thai, việc nạo phá thai ở các cơ sở không an toàn dẫn đến hậu quả rất nặng nề, sang chấn về tâm lý.
Bà Hoàng Thị Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) cho biết: Với nhiệm vụ và chức năng Trung tâm, đặc biệt là Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm và công tác truyền thông trực tiếp tôi cho rằng rất là quan trọng, luôn luôn đặt lên hàng đầu để có thể truyền thông đến tận nơi cho các em. Trong năm qua, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều buổi truyền thông đến hàng nghìn công nhân các khu công nghiệp cũng như học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và THPT. Chủ động cung ứng các dịch vụ trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh để các em có thể dễ tiếp cận dịch vụ, được tư vấn một cách tốt nhất đặc biệt là vấn đề tình dục an toàn, kỹ năng giao tiếp và phòng tránh xâm hại; phòng tránh thai ngoài ý muốn cũng như nhiều chủ đề khác liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.
Mới đây, ngành Y tế cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 122, ngày 26-10-2018, trong đó tập trung những nội dung nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến các kiến thức cho vị thành niên và thanh niên. Tập trung vào hai nhóm đối tượng chuyên biệt ở trong nhà trường và các khu công nghiệp. Từ việc cung cấp kiến thức và các dịch vụ cho các đối tượng này. Cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho VTN/TN, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác truyền thông từ tỉnh tới cơ sở; bảo đảm cho các cơ sở y tế có đủ điều kiện khám sức khỏe tiền hôn nhân theo quy định của Bộ Y tế. Chính vì vậy thời gian tới, chúng tôi mong muốn trong các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh thì Ngành sẽ tham mưu, phối hợp, và gắn kết với các đơn vị để triển khai có hiệu quả nhất, nhằm trang bị kiến thức cho vị thành niên và thanh niên về CSSKSSS.
Cung cấp kiến thức về CSSKSS là vấn đề vô cùng quan trọng để VTN/TN có được những kiến thức là hành trang để các em có những kỹ năng trong các mối quan hệ, nhằm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thế hệ kế cận cũng như làm chủ tương lai của đất nước.
Mục tiêu đến năm 2020, có 55% VTN/TN hiểu biết cơ bản về một số vấn đề về công tác DS-KHHGĐ như các biện pháp tránh thai, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm 30% số VTN/ TN có thai ngoài ý muốn; 20% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 50% cha mẹ có con trong tuổi VTN ủng hộ, hướng dẫn, hỗ trợ con cái chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ DS-KKHGĐ.