Trên cùng một diện, người trồng rau an toàn thu nhập gấp 2,5 lần so với trồng lúa. Gần vụ thu hoạch, các tư thương tìm đến tận vườn đặt mua, người trồng rau an tâm gắn bó với đồng đất, thu nhập từng bước được cải thiện.
Những ngày đầu Đông, trên cánh đồng xóm Đông Nghè, Bả Đa, xã Kim Phượng (Định Hóa) trở nên nhộn nhịp khi những lứa đậu cô ve đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch. Người làm rau vừa tất bật thu hái, vừa tiếp chuyện với khách hàng, điện thoại liên tục đổ chuông kết nối bằng những cuộc ngã giá, đặt hàng.
Chị Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng cũng liên tục phải trả lời khách hàng. Chị cho biết: Năm 2018 là năm đầu tiên HTX mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sang trồng rau an toàn, thông qua chương trình Dự án Khuyến nông của huyện. Dự án hỗ trợ xây dựng 2 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới với diện tích 4.320m2; tổng kinh phí thực hiện trên 620 triệu đồng (trong đó, Dự án hỗ trợ 400 triệu đồng; tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xã viên; còn lại là đối ứng của HTX). Ngoài ra, các HTX tự bỏ kinh phí khoan giếng, mua máy bơm nước đảm bảo nguồn nước tưới… cho mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới.
Đồng chí Sầm Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết: Đây là một quy trình sản xuất nông nghiệp mới đối với người dân miền núi. Lâu nay vào vụ Đông, bà con ít quan tâm đầu tư, thâm canh cây trồng và hầu như đồng đất bỏ hoang hóa. Trồng rau theo cách truyền thống, năng suất thấp, sâu bệnh nhiều, người trồng rau dùng thuốc bảo vệ thực vật một cách tuy tiện, không bảo đảm an toàn cho sức khỏe, cũng như không tìm được thị trường ổn định. Thông qua các kênh thông tin, sự hỗ trợ của huyện và sự nỗ lực xây dựng thương hiệu sản xuất nông sản sạch của HTX, nên bước đầu nhân dân đã nhận thấy hiệu quả kinh tế. Mặc dù mới là mô hình, nhưng tương lai là rất khả thi. Để nhân rộng mô hình, xã sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất; nhân dân chủ động hợp tác thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa thì Kim Phượng sẽ có một vùng chuyên trồng rau an toàn, góp phần tạo thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chị Lê Thị Vân, thành viên HTX cho biết: Trước đây, gia đình cấy lúa chỉ cho thu nhập hơn 1 triệu đồng/sào/năm. Tham gia chương trình trồng rau an toàn của HTX, sau gần một năm đã cho thu nhập gần 3 triệu đồng/sào/năm. Nếu không tính nguồn hỗ trợ của chương trình khuyến nông, thì nông dân vẫn có thể tự làm được, chỉ mất chi phí ban đầu xây dựng nhà khung, mua lưới…nhưng dùng được lâu dài.
Ngay đầu vụ Đông này, HTX đã đưa vào trồng trên 500m2 rau trái vụ. Hiện nay, đã nhận được đơn đặt hàng từ nhà phân phối rau an toàn ở Hà Nội với giá cao gấp hai lần so với rau chính vụ. Tuy nhiên, hiện tại, quy mô trồng rau an toàn ở Kim Phượng vẫn còn nhỏ lẻ. Để những cánh đồng ở Kim Phượng trở thành vùng hàng hóa, cần phải có thêm thời gian để người nông dân tin tưởng về tính hiệu qủa bền vững, sẵn sàng tiếp cận với quy trình sản xuất mới; mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng rau theo đúng quy trình, kỹ thuật, đảm bảo cho việc trồng rau an toàn…