Trong tháng 1, không khí lạnh thường hoạt động mạnh nên đây cũng là thời kỳ có nền nhiệt thấp nhất trong năm. Các đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em, những người có bệnh mãn tính về đường hô hấp, xương khớp. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày tới, tại các tỉnh miền Bắc trong đó có Thái Nguyên, nhiệt độ tiếp tục giảm, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài.
Để giảm thiểu tác hại do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện, trung tâm y tế các huyện, thành, thị và các bệnh viện tư nhân phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn nhân dân cách phòng chống rét và các bệnh dễ bị ảnh hưởng của thời tiết rét lạnh như viêm đường hô hấp cấp, tăng huyết áp và một số bệnh ở người cao tuổi và trẻ em.
Nhà cửa che chắn kỹ càng, tránh gió lùa; chăn đệm bảo đảm đủ ấm, mặc đủ quần áo ấm trước khi đi ra ngoài. Cảnh báo để nhân dân biết về các tai nạn trong quá trình sưởi ấm như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, bỏng lửa; ngạt thở do trẻ em mặc quá nhiều quần áo ấm…
Ngành Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm việc phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nơi xếp hàng chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị người bệnh phải bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi, phương tiện bảo đảm người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp do các loại vi rút đường hô hấp gây ra do thời tiết rét đậm, rét hại và điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém…