Sáng 27-2, Đoàn công tác của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội làm Trưởng Đoàn đã có buổi giám sát tại UBND tỉnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2018 và kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân (ảnh).
Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy: Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Đoàn Thị Hảo, Bí Thư Thành ủy Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn. Dự buổi làm việc có đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Theo báo cáo, đối với vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), giai đoạn 2016-2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 429 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), với 433 người bị nạn (giảm 44 vụ, 40 người bị nạn so với giai đoạn 2013-2015), số người tử vong do TNLĐ là 154 người, giảm 35 người so với giai đoạn 2013-2015. Các vụ TNLĐ thuộc diện phải tiến hành điều tra đều được các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành điều tra, giải quyết theo đúng quy định. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ là do sự chủ quan của người lao động và chủ sử dụng lao động, không tuân thủ các quy trình và biện pháp làm việc an toàn, chưa được huấn luyện ATLĐ.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp, người lao động có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây nên vấn đề quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn... Còn với nội dung về thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội được tỉnh thực hiện nghiêm túc. Theo đó, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh có đủ 4 bốn cấp (Trung ương, tỉnh, huyên, xã). Trên địa bàn hiện có 4 dự án đầu tư bệnh viện ngoài công lập, với 318/6.616 giường bệnh. Hiện nay, có 7 dự án đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân, với tổng nguồn vốn hơn 5.500 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn này, tỉnh đã huy động được gần 230 tỷ đồng (viện trợ nước ngoài) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ). Bên cạnh đó, một số bệnh viện đã thực hiện liên kết để lắp đạt các thiết bị chuyên sâu để cải thiệt chất lượng dịch vụ y tế...
Đồng thời, UBND tỉnh cũng kiến nghị một số nôi dung, như: Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vị phạm trong lĩnh vực ATVSLĐ; xây dựng phần mềm trực tuyến tiếp nhận, phân tích, đánh giá tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, thống nhất với cơ sở giữ liệu ATVSLĐ.
Còn đối với lĩnh vực Y tế, tỉnh đề nghị: Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục có hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người bệnh khi khám, chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm Y tế; có giải pháp phù hợp về vấn đề tinh giản biên chế đối với ngành Y để đảm bảo phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Sau khi ngheo báo cáo, giải trình của các cơ quan chuyên môn, đồng chí Nguyễn Hoàng Mai đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ, thực hiện xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh gửi văn bản đối với những kiến nghị, vướng mắc cho đoàn giám sát, trên cơ sở đó Đoàn sẽ báo cáo với Quốc hội, kiến nghị với các ngành để sử đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn...
Trước đó, ngày 26-2, Đoàn đã đi giám sát thực tế tại T.X Phổ Yên, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và Bệnh viên C Thái Nguyên.