Hiện nay, dịch sởi đang bùng phát ở Hà Nội và các tỉnh lân cận: Bắc Ninh, Bắc Giang. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đang tập trung vào công tác phòng chống dịch sởi. Với Thái Nguyên, dù ít phát hiện những trường hợp mắc bệnh sởi nhưng chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Năm 2014 trở về trước, các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên, số người bị bệnh sởi rất cao. Cũng trong năm này, tỉnh đã thực hiện chiến dịch tiêm phòng sởi. Từ đó, số người dân bị mắc bệnh sởi giảm một cách đáng mừng. Cho đến năm 2018, trên địa bàn cả nước số người mắc sởi ở vào ngưỡng báo động nhưng Thái Nguyên vẫn ở mức thấp. Đây cũng là điều may mắn cho Thái Nguyên bởi ổ dịch nội sinh không nhiều.
Sởi là dịch bệnh rất cũ không có biến đổi, song ngành Y tế Thái Nguyên luôn lưu tâm. Ngành cũng đã lập kế hoạch yêu cầu tuyến cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác giám sát tại cộng đồng và tập trung vào mảng cơ sở giáo dục mầm non. Khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên đã tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở giáo dục, gia đình có người mắc bệnh sởi xử lý ngay, sử dụng hóa chất, khử khuẩn môi trường… theo đúng quy định của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế của tỉnh cũng đã giám sát và phòng lây lan tương đối tốt. Chính vì thế, số mắc bệnh sởi của năm 2018 khá thấp (11 ca), măm 2017 là 31 ca. Vậy nhưng, trong gần 2 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có 5 ca mắc bệnh sởi xuất hiện rải rác ở một số nơi. Điều đáng lưu ý là bệnh sởi thường thấy ở các trẻ nhỏ từ 2-5 tuổi thì nay lại thấy nhiều hơn ở các đối tượng dưới 9 tháng tuổi, trước độ tuổi tiêm phòng.
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi là biện pháp hiệu quả và chủ động nhất. Có thể nói, công tác tiêm phòng bệnh sởi của Thái Nguyên những năm gần đây vẫn đạt và vượt chỉ tiêu quy định. Năm 2017, đã có 21.625 trẻ 9 tháng tuổi tiêm vắc xin sởi, đạt 97,1%; năm 2018, có 23.081 trẻ được tiêm, đạt 97,4%. Trẻ 18 tháng tuổi được tiêm vắc xin sởi/Rubella năm 2017 và 2018 lần lượt là 97% và 95,2%. Cuối năm 2018, tỉnh cũng thực hiện Chiến dịch tiêm phòng bổ sung cho trẻ từ 1-5 tuổi ở 4 địa phương có nguy cơ cao về sởi là huyện: Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa và T.P Thái Nguyên cũng đã đạt tỷ lệ trên 96,2%. Tuy nhiên, trong vắc xin sởi vẫn có một đặc điểm là không phải cứ trẻ nào được tiêm thì miễn dịch được đáp ứng hết, nó chỉ đáp ứng với tỷ lệ thông thường là đạt 80% hoặc cao hơn chút. Trong số 100 trẻ, dù có 95 số trẻ được tiêm là đạt chỉ tiêu, trong số trẻ được tiêm có khoảng 15-20% không miễn dịch, cộng thêm 5 trẻ chưa được tiêm thì khoảng 20-25% không miễn dịch. Vì vậy, bệnh sởi xuất hiện trong nhóm này hoàn toàn có nguy cơ xảy ra.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khuyến cáo: Ngoài số trẻ được tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi theo quy định của Bộ Y tế lúc 9 tháng và 18 tháng, các bà mẹ cho con mình đi phòng nhắc lại sau mỗi 5 năm. Có một thực tế vài năm trở lại đây, xuất hiện số trẻ mắc sởi khi chưa đến 9 tháng tuổi. Thậm chí có những đứa trẻ mới được 2-3 tháng tuổi cũng mắc bệnh sởi. Trước thực tế này, chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch sởi tiêm cho những người trưởng thành, nhất là những người có ý định sinh con nên tiêm trước khi mang thai. Đối với những người được tiêm ngay trước khi sinh thì miễn dịch mẹ truyền cho con rất cao. Và như thế thì đứa trẻ được bảo vệ cho tới 9 tháng. Bộ Y tế cũng đã nghĩ đến việc hạ thấp tuổi tiêm mũi 9 tháng, sẽ tiêm sớm vào lúc trẻ được 6 tháng tuổi.
Ba biểu hiện chính của bệnh sởi là: Sốt (sau sốt sẽ xuất hiện phát ban), tăng tiết các đường mũi họng (hắt hơi, sổ mũi…), viêm kết mạc mắt. Biến chứng của bệnh sởi có thể từ nhẹ đến nặng, nó có thể gây nhiễm khuẩn: Viêm màng não, có những trường hợp biến chứng nặng hơn như viêm cơ tim, phù phổi, nhưng dễ gặp nhất là viêm kết mạc mắt, sẽ nặng lên và giảm thị lực nếu như không được điều trị. Các bậc cha mẹ cần lưu tâm với trẻ nhỏ tránh những biến chứng khó lường bởi miễn dịch của trẻ còn kém.
Điều quan trọng nhất với cộng đồng hiện nay là người dân phải tự mình nhận thức đúng về bệnh sởi, phát hiện sớm nhất những biểu hiện nghi bệnh sởi, đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời; chủ động thực hiện lịch tiêm chủng đúng và đầy đủ nhất nhằm bảo vệ cho bản thân và con em mình.