Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại các lễ hội

09:52, 14/02/2019

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tăng đột biến. Tuy nhiên, các dịch vụ ăn uống tự phát tại khu vực gần đền, chùa, nơi diễn ra lễ hội lại đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Chúng tôi có mặt tại Cụm di tích Lịch sử - Văn hóa đình, đền, chùa Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình) sau lễ khai hội vài ngày. Hòa cùng không khí tấp nập của du khách đến tham quan, hành hương là tiếng chào mời mua gạo, muối, đồ lễ và cả đồ ăn tại những gian bán hàng dựng tạm dọc đường lên Cụm di tích. Các loại thực phẩm được bày bán ở đây khá đa dạng như: Gà nướng, xúc xích rán, nước mía, xoài dầm... Trong đó, nhiều nhất là gà nướng với giá bán từ 300-350 nghìn đồng/con gà nướng đắp đất và 200-250 nghìn đồng/con gà nướng than hoa. Gà nướng vàng ruộm, thơm phức cùng giá cả hợp lý đã nhanh chóng thu hút du khách thưởng thức.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây đó là gà sống được thịt ngay sát khu vực chế biến, lông cùng các phế phẩm vứt bừa bãi trên sàn, người chế biến dùng tay trần để làm cả đồ chín lẫn đồ sống, đất bọc gà bỏ đi sau khi nướng chất thành đống dọc lối đi đông người qua lại… Các loại thực phẩm được “tẩm” bụi, khói vẫn được người dân tham gia lễ hội, từ người già đến trẻ nhỏ, vô tư thưởng thức.

Bà Ngô Thị Tuyết Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Trước khi lễ hội diễn ra, chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh về quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn như y tế, quản lý thị trường để thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại khu vực lễ hội. Tuy nhiên, nhìn chung việc kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu các phương tiện, trang thiết bị, nhân lực... Việc đánh giá thực phẩm có đạt chất lượng hay không phần lớn vẫn chỉ thông qua quan sát bằng mắt thường.

Khảo sát tại khu vực đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang (T.P Thái Nguyên)…, chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng tương tự. Đa phần các loại thực phẩm không có dụng cụ để che đậy; các loại xúc xích, lạp xườn, chả xiên được chiên đi chiên lại trong các chảo dầu đã đổi màu… Đó là chưa kể đến việc người tiêu dùng không thể xác định nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, hạn sử dụng. Người bán chỉ cần chuẩn bị một bếp ga mini và chảo, dầu ăn đựng trong can to không có nhãn mác, xúc xích được cắt ra rán sẵn chờ du khách tới mua; các loại hoa quả cũng được bổ sẵn, trộn gia vị để trên các khay... Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra trong thời gian ngắn, chính vì vậy, các dịch vụ "ăn theo" lễ hội cũng mang tính chất thời vụ, đặc biệt là các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, nước giải khát, đồ ăn nhanh…

Thêm vào đó, do dựng tạm nên các điều kiện chế biến, nguồn nước, dụng cụ khá thiếu thốn, không đảm bảo vệ sinh. Được biết, các quán ăn tạm này chủ yếu do người dân địa phương mở ra và sẽ ngừng bán khi lễ hội kết thúc nên việc quản lý, kiểm soát là khá khó khăn. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan của người dân cho rằng "ăn một lần chắc không sao" cũng là nguyên do khiến các quán ăn tự phát này bán được hàng và mọc lên như nấm, không tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm. Anh Nguyễn Thái Sơn, tổ 15, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Mặc dù tôi cũng chưa thực sự yên tâm về chất lượng thực phẩm ở đây cũng như cách chế biến, song, vì thời gian đi lễ kéo dài, nắng nóng nên tôi ghé vào quán vừa để nghỉ ngơi, vừa ăn tạm cho đỡ đói.

Các loại thức ăn được bày bán tại lễ hội thường được bố trí dọc đường đi lối lại trong khi môi trường xung quanh thường xuyên bị nhiễm bụi do lưu lượng người và phương tiện quá đông, kèm theo đó là thời tiết nắng, mưa sẽ làm cho thức ăn dễ nhiễm bẩn, ôi thiu, biến chất… Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lây truyền từ thực phẩm. Thiết nghĩ để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe mùa lễ hội thì ngoài cố gắng của lực lượng chức năng, các ban quản lý lễ hội thì du khách cần tự bảo vệ chính mình, chỉ mua, sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo an toàn.