Mấy vụ việc liên quan đến mất an toàn thực phẩm (ATTP) ở một số trường học gần đây đã thực sự khiến dư luận lo lắng. Các bậc phụ huynh cho rằng, cần có chế tài hữu hiệu cũng như phương án giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo ATTP nơi học đường…
Dù xảy ra hàng tuần nay, nhưng dư luận vẫn chưa lắng xuống trước vụ việc 29 học sinh của Trường Tiểu học Nhã Lộng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) bị ngộ độc phải nhập viện điều trị vì nghi do uống sữa Fami kid của Vinasoy. Các học sinh này vào viện trong tình trạng bị đau bụng, đau đầu, thể trạng mệt mỏi, có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài. Được biết, sau khi uống sữa, nhiều học sinh bị triệu chứng như trên. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu sữa đưa đi kiểm nghiệm chất lượng. Dù đến nay chưa có kết quả chính thức, nhưng nhà trường đã cho tạm dừng việc sử dụng số sữa Fami kid còn lại.
Trường hợp khác liên quan đến ATTP tại một trường học ở tỉnh Bắc Ninh cũng đang khiến dư luận xôn xao. Tại bếp ăn của trường Thanh Khương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành đã hai lần đầu bếp phát hiện thịt lợn nổi hạch trắng. Phụ huynh học sinh của trường đã lo lắng và đưa con em đi khám thì thấy nhiều trường hợp có kết quả dương tính với sán lợn. Vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường Thanh Khương lại phát hiện thịt gà dùng nấu cho học sinh ăn là loại đông lạnh đã mủn, có mùi ôi thiu. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi trong bếp. Sau khi các phụ huynh tố cáo, cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ thực phẩm để đưa đi kiểm nghiệm. Đối với trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu lực lượng chức năng làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện vi phạm.
Trong năm học 2018-2019, đây không phải là những trường hợp cá biệt vì đã có một số vụ việc tương tự xảy ra. Tháng 10 năm ngoái, tại Trường Tiểu học Bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã có hơn 170 em học sinh bị đau bụng, buồn nôn, đi ngoài... phải đưa đi bệnh viện sau khi ăn bữa sáng gồm xôi và thịt băm do nhà trường tổ chức. Tiếp đó, cũng trong tháng 10, tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Ninh Bình (Ninh Bình) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ruốc gà làm 352 trẻ mắc phải. Và còn nhiều nữa các vụ việc xảy ra từ các bếp ăn trường học thời gian vừa qua. Điều này đang đặt ra câu hỏi, có hay không sự buông lỏng giám sát ATTP nơi học đường?
Theo các chuyên gia, tại khu vực thành phố hiện nay, thường học sinh tiểu học ở trường từ sáng đến chiều, đồng nghĩa với thời gian ăn của trẻ đa phần ở học đường. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến nguồn gốc thực phẩm cũng như chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn trong trường học. Đặc biệt, cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các nhà trường trong kiểm soát ATTP.
Không ít phụ huynh cho rằng, họ gần như không được tham gia giám sát trực tiếp các bữa ăn trong trường học của con em mình. Những buổi kiểm tra bữa ăn học đường với đủ các thành phần, trong đó có mời phụ huynh tham dự thường được nhà trường bố trí, chuẩn bị trước. Do đó, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn của các con vẫn chỉ là hình thức, ít được các nhà trường chú trọng.
Trước thực tế đáng lo ngại này, ngày 19-3-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh về việc đảm bảo vệ sinh ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Các cơ sở giáo dục cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Các trường cần tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường. Ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, ATTP tại các cơ sở giáo dục…
Hy vọng rằng, trước thực trạng trên, các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần nhận thức đầy đủ vấn đề, từ đó có những giải pháp phù hợp, thiết thực để cùng chung tay vì mục an toàn cho cả cộng đồng trong đó có an toàn cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.