Những năm qua, việc triển khai chính sách hỗ trợ muối i-ốt cho người dân ở 124 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt, tạo điều kiện cho bà con có thói quen sử dụng muối i-ốt trong sinh hoạt hàng ngày.
Ở tỉnh ta, trước năm 2010, muối i-ốt là một trong những mặt hàng được Nhà nước trợ giá, trợ cước từ nguồn ngân sách Trung ương để phòng, chống bệnh bướu cổ cho người dân sinh sống ở vùng dân tộc, miền núi. Đến năm 2012, sau 2 năm tạm dừng, tỉnh đã bắt đầu thực hiện lại chính sách này với nguồn kinh phí trích từ ngân sách tỉnh. Nhờ đó đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống bướu cổ.
Sau giai đoạn 2012-2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt phương án “Hỗ trợ muối i-ốt phòng, chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ cho vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020” tại 124 xã, thị trấn vùng dân tộc và miền núi. Theo đó, toàn bộ cán bộ và người dân cư trú tại các xã, thị trấn được hưởng chính sách này trong thời gian 4 năm. UBND tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 30% giá bán lẻ muối i-ốt trên địa bàn các xã vùng dân tộc (giá bán lẻ hàng năm được xác định trên cơ sở thẩm định giá của Sở Tài Chính và các cơ quan có thẩm quyền); hỗ trợ kinh phí quản lý, kiểm tra thực hiện…
Để chính sách này được thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ sản xuất muối cho Công ty Cổ phần (CP) Muối i-ốt và Công ty CP Thương mại tổng hợp Thái Nguyên; nhiệm vụ cung ứng muối đến các điểm bán hàng được giao cho Công ty CP Phát triển Thương mại Thái Nguyên. Người dân khi mua muối tại các điểm bán muối theo chính sách này sẽ được mua với giá gốc tại nơi sản xuất. Năm 2019, tỉnh dự kiến hỗ trợ 5,4 tỷ đồng để sản xuất, cung ứng 3.600 tấn muối cho người dân thuộc 124 xã, thị trấn vùng dân tộc và miền núi trong tỉnh. Tổng số điểm bán muối i-ốt có hỗ trợ giá tại trung tâm xã, cụm xã trên địa bàn 124 xã, thị trấn vùng dân tộc và miền núi của tỉnh hiện nay là 51 điểm.
Chúng tôi có mặt tại điểm bán muối i-ốt có hỗ trợ giá đặt gần khu chợ xã Cúc Đường (Võ Nhai) đúng ngày họp chợ phiên. Bà con ra vào tấp nập tại cửa hàng để mua muối i-ốt về sử dụng. Anh Nguyễn Văn Nam, phụ trách điểm bán tại đây cho biết: “Nhờ được tuyên truyền về tác dụng của việc sử dụng muối i-ốt cũng như ưu đãi của Nhà nước đối với mặt hàng này tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi nên bà con trong xã và các xã như Thần Sa, Vũ Chấn, Thượng Nung… thường tìm đến mua muối tại cửa hàng chúng tôi. Có những ngày cao điểm, cửa hàng bán khoảng 1 tấn muối/ngày. Trung bình mỗi năm, cửa hàng bán từ 50 - 70 tấn”. Còn bà Hoàng Thị Chấm, người dân trong xã thường mua muối i-ốt tại đây chia sẻ: Đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chúng tôi, muối i-ốt đã đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Nhờ được trợ giá, nên chúng tôi mua hàng tại đây được giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với mua bên ngoài. mua ở đây chúng tôi yên tâm về chất lượng, hàm lượng i-ốt trong muối. Ngoài việc sử dụng trong nấu ăn, tôi còn sử dụng muối i-ốt để vệ sinh răng miệng và nhiều công dụng khác.
Chính sách hỗ trợ muối i-ốt cho người dân ở 124 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tạo điều kiện cho người dân tộc miền núi có thói quen sử dụng muối i-ốt trong sinh hoạt hàng ngày, qua đó đem lại hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống bướu cổ. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã không còn tình trạng bướu cổ do thiếu hụt i-ốt. Ông Lê Thái Vĩnh, Trưởng phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Bằng nhiều hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị già làng, trưởng bản, người có uy tín, các cuộc họp chi bộ, xóm… chính sách này đã thực sự lan tỏa đến người dân ở 124 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Góp phần nâng cao nhận thức cho người dân với việc sử dụng muối i-ốt, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt.