Trung tâm Đột quỵ (Khoa Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) được thành lập từ giữa năm 2016. Trung tâm hiện có 8 bác sĩ; 15 điều dưỡng. Đến nay, Trung tâm đã điều trị cho trên 3.000 lượt bệnh nhân, trong số này có khoảng 100 bệnh nhân được điều trị tiêu sợi huyết; khoảng 60 bệnh nhân được thực hiện hút huyết khối và can thiệp do nút dị dạng...
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Trưởng khoa Thần kinh cho biết: Hiện, Trung tâm đã thực hiện hệ thống báo động đỏ trên mạng Zalo. Nhóm báo động đỏ nội viện quy tụ được hết tri thức của nhóm bao gồm các bác sĩ của các khoa: Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Thần kinh. Tất cả các bệnh nhân khi có dấu hiệu đều được thông báo trên hệ thống Zalo. Những thông tin về bệnh nhân từ lúc tiếp nhận đến kết quả chụp cộng hưởng từ… đều được đưa lên nhóm. Với những ca khó, chúng tôi tổ chức hội chẩn toàn nhóm để đưa ra những quyết định điều trị.
Nhồi máu não là do cục máu đông đưa lên mạch não gây tắc nghẽn mạch máu, nếu không có biện pháp làm tan cục máu đông hoặc lấy cục máu đông đó ra khỏi thành mạch thì bệnh nhân sẽ bị liệt hoặc có thể tử vong. Hiện nay, có 2 phương pháp để cấp cứu nhồi máu não giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn đó là tiêm thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Đây là những biện pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay mà thế giới đang áp dụng. Để khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng là phương pháp điều trị tiêu sợi huyết tức là dùng thuốc tiêm vào thẳng mạch máu làm tan cục máu đó đi, mạch máu sẽ lưu thông và bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Nhưng bó buộc của chỉ định này là trong vòng 4-5 giờ (khung giờ vàng) - từ khi khởi phát cho đến khi người bệnh được tiêm thuốc. Biện pháp thứ hai là với trường hợp bị tắc các mạch máu lớn thì thuốc tiêu sợi huyết không tan được hết thì phải sử dụng dụng cụ cơ học để lấy huyết khối. Đối với trường hợp này thì khung giờ có chỉ định rộng rãi hơn, từ 6-8 giờ. Biện pháp thứ hai này cũng rất quan trọng, nếu như người bệnh không được can thiệp thì chắc chắn sẽ tử vong. Biện pháp này đã được Trung tâm Đột quỵ thực hiện rất nhiều để cứu bệnh nhân thoát khỏi cái chết.
Điều đáng nói là hiện nay, bệnh đột quỵ não đã xảy ra ở lứa tuổi rất trẻ trong độ tuổi 32-35. Mới đây, Trung tâm Đột quỵ cứu được bệnh nhân tên là Phạm Bình Long (34 tuổi, Phú Bình), được điều trị nội khoa và đã hồi phục tốt.
Theo Trưởng khoa Bùi Thị Huyền: Nguyên nhân của đột quỵ gặp hàng đầu vẫn là bệnh tăng huyết áp; tiếp đến là bệnh đái tháo đường, tăng mỡ máu, tim mạch, do bệnh nhân nghiện rượu, hút thuốc lá, dị dạng bất thường về mạch máu… Trên thế giới, tỷ lệ tử vong của đột quỵ đứng thứ ba sau các bệnh tim mạch, ung thư, tuy nhiên theo nghiên cứu, ở Việt Nam thì tỷ lệ này lại đứng hàng đầu. Chính vì tỷ lệ mắc cao, để lại nhiều hậu quả xấu nên các nước rất chú trọng thành lập các trung tâm đột quỵ. Hiện ở Thái Nguyên mới chỉ có Trung tâm đột quỵ là thực hiện được tất cả các thủ thuật mà theo như Tổ chức đột quỵ thế giới quy định. Cùng với những can thiệp kỹ thuật, điều trị nội khoa, Trung tâm đã thực hiện phục hồi chức năng rất sớm nên cũng cải thiện được đáng kể tình trạng liệt của bệnh nhân, khi ra viện ít để lại di chứng….
Việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ càng sớm càng hiệu quả cao, đặc biệt là trong “khung giờ vàng”. Tuy nhiên, hệ thống y tế vẫn còn phân cấp quá nhiều, người bệnh phải qua nhiều cấp nên quá mất giờ can thiệp. Nếu bệnh nhân không được điều trị sớm dễ để lại di chứng, chi phí để điều trị, chăm sóc người bệnh lớn hơn rất nhiều so với khi được cấp cứu kịp thời. Bởi vậy, khi bị đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa thẳng vào Trung tâm để sớm được điều trị, tránh những di chứng về sau.