Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virut dịch tả lợn châu Phi, chiều 7 và 8-5, các cơ quan chức năng của huyện Định Hóa đã tiến hành tiêu hủy trên 200 con lợn với tổng trọng lượng trên 15,1 tấn của 4 hộ chăn nuôi tại 2 xã Quy Kỳ và Trung Lương.
Theo báo cáo của UBND huyện Định Hóa, từ ngày 23-4, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng lợn ốm với các biểu hiện: Sốt cao, bỏ ăn, xuất huyết, chảy máu tươi tại mũi, miệng và hậu môn… Trước tình trạng đó, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tiến hành lấy các mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Ngày 6-5, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 2 hộ chăn nuôi tại xã Quy Kỳ và Trung Lương đã dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, UBND huyện Định Hóa đã tiến hành công bố dịch đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn 2 xã Quy Kỳ và Trung Lương; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của 2 gia đình bị nhiễm bệnh và đàn lợn của 2 gia đình lân cận có triệu chứng bệnh tương tự. Tính đến chiều tối 8-5, tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên địa bàn huyện Định Hóa khoảng gần 300 con, tập trung chủ yếu tại 7 xã: Trung Lương, Quy Kỳ, Phú Đình, Kim Phượng, Bảo Linh, Bộc Nhiêu và Phượng Tiến. Các cơ quan chuyên môn của huyện đang tiếp tục tiến hành theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý dịch bệnh theo quy định.
Cán bộ thú y xã Quy Kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng trại chăn nuôi của người dân trên địa bàn xã.
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và có nguy cơ diễn biến phức tạp, hiện nay, huyện Định Hóa đang chỉ đạo các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn của huyện tập trung thực hiện Phương án ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, huyện đã thành lập các chốt kiểm dịch và Đội liên ngành lưu động để quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra, vào vùng có dịch; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không nên hoang mang vì bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.