Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.700 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường (qua khám sức khỏe, sàng lọc…). Tuy nhiên, trên thực tế, số người mắc căn bệnh này ở Thái Nguyên còn cao hơn. Đây là căn bệnh có những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Do đó, để phòng, chống căn bệnh này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng thì rất cần sự chủ động, tích cực của người dân.
Đái tháo đường, còn gọi là bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước.
Bệnh có liên quan mật thiết với thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu hoạt động thể lực, ăn uống không điều độ gây nên. Bệnh đái tháo đường có những biến chứng nguy hiểm như các biến chứng cấp tính thường là hạ đường huyết, hoặc bị hôn mê, hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng glucose máu. Có các biến chứng mãn tính như biến chứng tim mạch, mắt, thận, thần kinh, đặc biệt là bệnh lý bàn chân phải cắt cụt chi, biến chứng nhiễm trùng rối loạn chức năng cương ở nam giới, suy giảm chức năng sinh dục ở phụ nữ. Khi mắc bệnh đái tháo đường, sức khỏe của người bệnh suy giảm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình, giảm khả năng lao động của người mắc bệnh.
Độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường cao nhất khoảng từ 55 – 59 tuổi. Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường tuyp2 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng trẻ hóa. Ông Hoàng Văn Nghiên, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Do chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhanh nên cháu tôi bị béo phì, thừa cân. Mới 11 tuổi nhưng cháu đã nặng gần 60kg. Gần đây, thấy cháu có biểu hiện mệt mỏi, gia đình đưa đi khám thì phát hiện cháu ở giai đoạn đầu của bệnh đái tháo đường tuyp2.
Được biết, Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ tăng 5,5% mỗi năm. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% số người mắc không biết mình bị bệnh; 85% trong số đó chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm, như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân... Có đến 80% số người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% số người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Tại Thái Nguyên, hiện nay, chưa có nghiên cứu nào đánh giá tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên phạm vi toàn tỉnh, nhưng qua các các đợt khám sàng lọc hàng năm tại một số điểm cho thấy tỷ lệ mắc bệnh khá cao. Một minh chứng gần đây nhất, vào năm 2017, trong một ngày, gần 300 người dân trong độ tuổi từ 45 đến 60 tuổi trên địa bàn phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) đã được các y, bác sĩ chuyên khoa nội tiết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên khám sàng lọc, đo huyết áp, xét nghiệm đường máu lúc đói nhằm phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Kết quả cho thấy, số bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa đường huyết chiếm gần 30% trên tổng số người được khám, trong đó tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn tiền đái tháo đường chiếm gần 20% và khoảng 10% đã mắc bệnh. Hiện nay, số bệnh nhân đái tháo đường trên địa bàn tỉnh khá cao nhưng số được khám, quản lý và cấp phát thuốc hàng tháng mới có trên 3.200 người, trong đó tuyến huyện là hơn 2.600 người, còn lại là ở tuyến tỉnh.
Có thể thấy, việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và điều trị kịp thời nhằm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm là rất quan trọng. Tuy vậy, hiện, tại, việc đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống bệnh đái tháo đường của tỉnh còn hạn chế, số xã được triển khai sàng lọc còn ít. Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói: Để phòng, chống bệnh đái tháo đường, ngành Y tế nên quan tâm tới việc khám sàng lọc, tổ chức đánh giá tỷ lệ mặc bệnh, rồi truyền thông và đảm bảo dịch vụ về vấn đề điều trị, tư vấn cho người bệnh. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, truyền thông cho người dân hiểu được về bệnh đái tháo đường, để mọi người biết được tác hại của bệnh, có cách phòng ngừa, cũng như chủ động kiểm tra đường máu, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Đặc biệt, để phòng bệnh đái tháo đường, chúng ta nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý như cắt đường và carb, ăn low-carb, chia nhỏ các bữa ăn, ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả, giảm thiểu các thức ăn chế biến sẵn và uống nhiều nước (từ 1,5 đến 2,5 lít/ngày). Cùng với đó là chăm chỉ tập thể dục để nâng cao thể lực. Những người có hiện tượng béo phì thì nên quan tâm đến việc giảm câm. Theo đó, mọi người cũng cần bỏ thuốc lá, bổ sung vitamin D và dùng các thảo dược có lợi để phòng tránh căn bệnh này. Ngoài chế độ ăn và vận động phù hợp, mọi người nên đến các cơ sở y tế để được các y, bác sĩ tư vấn nhằm phòng, chống căn bệnh này một cách hiệu quả.