Mang lại lợi ích "kép" cho người bệnh

15:50, 22/07/2019

Sau gần 5 năm thực hiện mô hình quản lý, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh hen phế quản, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đã mang lại lợi ích “kép” cho người bệnh.

Ông Lưu Văn Lễ, tổ dân phố 22, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đã sống chung với căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hơn 20 chục năm nay. Trước đây, để kiểm tra tình trạng của bệnh, cứ vài tháng, gia đình lại đưa ông đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương làm các xét nghiệm, khám bệnh, lấy thuốc điều trị... Tuy nhiên, từ tháng 10-2014, khi Phòng Quản lý Bệnh phổi mạn tính (CMU) của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đi vào hoạt động, ông và gia đình không còn phải vất vả đi lại như trước nữa. Ông cho biết: Không chỉ giảm được thời gian, chi phí đi lại, tôi còn được các y, bác sĩ của Bệnh viện khám, tư vấn điều trị bệnh rất hiệu quả.

Được biết, hiện nay, Phòng Quản lý Bệnh phổi mạn tính của Bệnh viện đang quản lý, điều trị cho khoảng 1.500 bệnh nhân ngoại trú mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Hầu hết bệnh nhân được quản lý ngoại trú đã giảm các đợt cấp phải vào viện điều trị nội trú và có sự cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt.

Là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới sau bệnh mạch vành, ung thư và đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản đang là mối lo ngại của cộng đồng dân cư.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên, đạt được kết quả này là do từ khi được quản lý điều trị tại Phòng Quản lý Bệnh phổi mạn tính, các bệnh nhân được đều đặn khám và cấp thuốc hằng tháng theo lịch hẹn. Mỗi lần đến khám, bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm các chỉ số và nhận thuốc uống theo đúng phác đồ điều trị. Qua đó, nhiều bệnh nhân đã thuyên giảm tình trạng bệnh, kiểm soát được các cơn hen và đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm tần suất phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Trên thực tế, bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có 30% nguyên nhân do di truyền, 10% do bệnh viện, nhưng có tới 40% là do chính bản thân bởi thói quen lối sống ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu, bia… Căn bệnh này có thể phòng tránh được thông qua giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ. Do đó, cùng với việc khám, điều trị, khi đến đây, bệnh nhân còn được các bác sĩ tư vấn cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ, phòng tránh đợt cấp của bệnh, bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, thuốc lào, cải thiện môi trường sống, hạn chế tiếp xúc các yếu tố khói, bụi, ô nhiễm… Ngoài ra, bệnh nhân còn được các bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, các bài tập thở, tập ho để thông khí, long đờm, cách sử dụng thuốc hít, thuốc xịt… Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân đã biết cách tự chăm sóc và luyện tập để thở dễ dàng hơn trước, tình trạng sức khỏe cải thiện rõ rệt, lạc quan và tin tưởng vào Bệnh viện, tay nghề của các y, bác sĩ.

Ngoài làm tốt công tác khám, phát hiện, quản lý và điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên còn tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, tăng cường kiến thức về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng lưới cộng tác viên y tế, y tế thôn bản nhằm tăng cường nhận thức, thái độ, chuyển đổi hành vi có lợi trong chăm sóc sức khỏe cho cán bộ y tế và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Từ những kết quả đạt được trong gần 5 năm qua của Phòng Quản lý Bệnh phổi mạn tính cho thấy mô hình quản lý ngoại trú bệnh phổi mạn tính (COPD và hen phế quản tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên là một hướng đi đúng đắn. Không chỉ góp phần điều trị hiệu quả cho người bệnh, mô hình quản lý này còn thực hiện tốt việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe cho nhân dân, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh.

Với những kết quả đã đạt được thì việc nhân rộng mô hình này ra các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các trạm xá... là rất cần thiết. Từ đó sẽ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và gia đình, tăng cường chất lượng cuộc sống, tuổi thọ cho nhân dân.

Cùng với sự nỗ lực của các bệnh viện, thì người dân cần nâng cao ý thức để phòng, tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen (nhất là với những người không có yếu tố di truyền) thông qua việc luyện tập thể thao thường xuyên, từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, thuốc lào; uống rượu, bia...