Nguyên liệu để chế biến thành thực phẩm đều chủ yếu là nông sản, nếu tuân thủ quy trình quản lý theo chuỗi, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn về mức độ an toàn. Thực tế hoạt động của các mô hình trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã cho thấy tính hiệu quả và cần được nhân rộng.
Xác định rõ tầm quan trọng của phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp, nhất là vấn đề kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện công tác quy hoạch; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng vùng nông sản tập trung theo các tiêu chuẩn ATTP; Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020... bước đầu đạt được kết quả khả quan. Mục đích của các chương trình mục tiêu này là xây dựng các chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn, kiểm soát được chất lượng từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ trên thị trường đảm bảo ATTP, liên kết phân phối sản phẩm ở thị trường trong tỉnh. Xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm chuỗi an toàn; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, phát huy các điều kiện lợi thế của vùng như: Chăn nuôi gà thả vườn tại các huyện Phú Bình, Định Hóa, Võ Nhai, vùng chăn nuôi lợn Phú Bình, Phổ Yên. Riêng lĩnh vực chăn nuôi đã phát triển thành quy mô trang trại, với trên 700 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 56 trang trại an toàn dịch bệnh, 36 trang trại chăn nuôi theo thiêu chuẩn VietGAP, 38 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi.
Với lĩnh vực trồng trọt, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã định hình được 5 vùng sản xuất quả an toàn với quy mô gần 400ha, 8 địa điểm sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô 30ha, 8 vùng sản xuất rau an toàn với quy mô gần 100ha, trên 7.000ha chè an toàn và vùng chè tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình và T.X Phổ Yên, T.P Sông Công. Một số vùng sản xuất đã được các nhà đầu tư hỗ trợ cả giống, kỹ thuật, thiết bị bảo quản… góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều vùng áp dụng tiêu chuẩn về ATTP và nhận được các hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ và niềm tin với người tiêu dùng.
Về xây dựng các chuỗi giá trị nông sản, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và triển khai được 45 chuỗi sản phẩm nông sản cung ứng cho thị trường trên 1.000 tấn rau, thịt, củ, quả đảm bảo chất lượng ATTP mỗi năm. Riêng trong năm 2018, các vùng sản xuất đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm từ 3-5 năm liên tục với quy mô hàng nghìn héc-ta rau, củ, quả và chè an toàn. Chính vì vậy, giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng tăng; thị trường ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Theo ông Ma Văn Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Để bảo đảm ATTP cho sản phẩm nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, nhằm kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, để nhân rộng thành vùng hàng hóa tập trung và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi cần có quá trình thay đổi nhận thức trong nhân dân về sản xuất và thói quen tiêu dùng hiện nay, nhằm tăng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Dù đạt được kết quả bước đầu, song vẫn còn những hạn chế, bất cập trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng chuỗi nông sản, đó là: Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ tỷ lệ còn quá cao, chiếm trên 90%; các hộ sản xuất chưa tổ chức liên kết thành HTX, tổ hợp tác, do vậy sản phẩm cung cấp ra thị trường manh mún cả về số lượng và chất lượng. Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp nên không thể tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu. Đầu tư vào sản xuất nông nghiệp rủi ro cao; hoạt động điều tiết cung cầu ở tầm vĩ mô còn yếu, chưa xác định được nhu cầu nên vẫn còn tình trạng được mùa thường là mất giá... Vì vậy, để thực hiện tốt chủ trương nhân rộng sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản theo chuỗi, bên cạnh việc tích cực vận động người dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư và xây dựng chiến lược lâu dài, bảo đảm tính ổn định và bền vững.