Những năm qua, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Võ Nhai (hiện đã sáp nhập với Trung tâm Y tế huyện) đã thực hiện tốt vai trò tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ) nên nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện được nâng lên.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Trung tâm DS - KHHGĐ đã tham mưu với Ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ huyện Võ Nhai xây dựng kế hoạch truyền thông về công tác dân số; tổ chức thực hiện truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao của 15/15 xã, thị trấn; cùng với đó là cung cấp các gói dịch vụ KHHGĐ. Kết quả công tác truyền thông đã góp phần tăng số người áp dụng các biện pháp tránh thai. 6 tháng đầu năm 2019, có 5.420 trường hợp thực hiện các biện pháp KHHGĐ như: Đặt dụng cụ tử cung, uống thuốc tránh thai, tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai, sử dụng bao cao su (đạt 103,6% kế hoạch năm). Hiện, dân số của huyện là 72.795 người, số phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng là 13.842 người, số đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 10.098 người. Số trẻ sinh 6 tháng đầu năm nay là 493 trẻ, tăng 37 trẻ so với cùng kỳ năm 2018; số trẻ là con thứ ba trở lên là 57 trẻ, tăng 10 trẻ so với cùng kỳ năm 2018…
Phú Thượng là 1 trong số 15 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai thực hiện tốt Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản KHHGĐ đợt 1 năm 2019. Trong ngày cao điểm của Chiến dịch (27-6) vừa qua, số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 49 trường hợp (trong đó đặt vòng là 32 trường hợp; tiêm thuốc tránh thai 1 trường hợp; cấy thuốc tránh thai 5 trường hợp; uống thuốc tránh thai 6 trường hợp; sử dụng bao cao su 5 trường hợp), đạt 148% kế hoạch của Chiến dịch đề ra.
Chị Triệu Thị Huệ, cộng tác viên dân số xóm Ba Nhất chia sẻ: Ba Nhất là xóm vùng cao của xã Phú Thượng có 120 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc. Địa bàn xóm rộng nên việc truyền thông tư vấn công tác DS-KHHGĐ gặp những khó khăn nhất định. Hằng ngày, các chị em đều đi làm nên tôi thường tranh thủ những buổi đến nhà tuyên truyền cho chị em về các biện pháp tránh thai. Nhờ đó, nhận thức của người dân Ba Nhất về công tác này đã có nhiều thay đổi...
Chị Nguyễn Thị Tuyên (sinh năm 1998), dân tộc Tày, ở thôn Đồng Lạn, xóm Ba Nhất) có 1 con trai 7 tháng tuổi, chia sẻ: “Tôi luôn cập nhật thông tin về chăm sóc sức khỏe sau sinh qua chương trình truyền hình, qua tư vấn của cộng tác viên dân số xóm. Tôi sẽ giãn khoảng cách sinh để chăm sóc con được tốt hơn.
Còn chị Triệu Thị Linh, ở xóm Ba Nhất sinh được hai con gái, cho hay: “Mặc dù sinh con một bề nhưng tôi nghĩ mình chỉ sinh hai con thôi để có điều kiện nuôi dạy các cháu được tốt”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong độ tuổi sinh sản có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp KHHGĐ, thời gian tới, Trung tâm Y tế Võ Nhai tiếp tục truyền thông, tư vấn, cung cấp dịch vụ nhằm tăng số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ; tuyên truyền giãn khoảng cách sinh con từ 3-5 năm, dừng lại ở hai con… giúp các chị em có thêm điều kiện, chăm sóc con cái, nâng cao sức khỏe bản thân góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.