Cẩn trọng khi sử dụng kháng sinh

08:38, 06/09/2019

Được dùng để chống lại các bệnh do vi khuẩn gây ra, thuốc kháng sinh được xem là “cứu cánh” trong điều trị nhiều dạng viêm tai, viêm xoang, viêm phổi, viêm họng, nhiễm trùng tiểu, ho dai dẳng… hoặc trong phẫu thuật để phòng nhiễm trùng bệnh viện. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng kháng sinh tùy tiện, thiếu biểu biết có thể gây hại cho sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt là tình trạng dị ứng, sốc phản vệ thuốc kháng sinh, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp đã bị dị ứng thuốc kháng sinh. Đơn cử như cháu Lê Hồng Thắm, 11 tuổi, ở phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên). Thấy con bị tiêu chảy, mẹ cháu bé đã mua thuốc Biseptol (một loại kháng sinh điều trị bệnh viêm đường ruột) về cho con uống. Sau khi uống được 3 ngày, miệng của cháu bị lở loét, ăn uống vô cùng đau đớn. Khi gia đình đưa cháu đi khám thì phát hiện cháu bị di ứng với loại thuốc kháng sinh này.

Không bị viêm loét miệng như cháu Thắm nhưng sau khi tự ý mua thuốc kháng sinh amoxicillin về uống vì thấy đau, rát họng, chị Nguyễn Thị Khánh, 35 tuổi, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) đã bị mẩn ngứa toàn thân. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị dị ứng kháng sinh. Điều đáng nói là để hết mẩn ngứa, chị đã phải tiêu tốn số tiền không nhỏ mua thuốc về điều trị.
Không chỉ dừng lại ở các thể di ứng dạng nhẹ, nhiều bệnh nhân sau khi tiêm, truyền kháng sinh đã bị sốc phản vệ, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Trường hợp của ông Vũ Văn Minh, 70 tuổi, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) là một minh chứng cụ thể nhất. Do bị suy huy hấp, ngày 30- 8-2019, ông được đưa vào bệnh viện tuyến cơ sở để điều trị. Tại bệnh viện này, các bác sĩ đã chỉ định tiêm thuốc kháng sinh cho ông. Tuy nhiên, chỉ sau tiêm được 3 phút, ông Minh xuất hiện tình trạng tím tái toàn thân, ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu rồi chuyển ông đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Được chuyển đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng hôn mê, ông Minh đã được các bác sĩ đặt nội khí quản, thở theo bóp bóng… Được điều trị tích cực, sau 2 ngày, ông Minh đã tỉnh lại. Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng ông đã có thể trò chuyện với chúng tôi. Ông cho hay: Nếu không được cấp cứu kịp thời thì giờ này, tôi đã là người thiên cổ rồi.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, tùy từng loại kháng sinh sẽ có những biểu hiện dị ứng khác nhau và tùy cơ địa từng người. Cơ thể dị ứng có thể ở mức độ nhẹ - nặng, thậm chí rất nặng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Dị ứng có thể ngứa, nổi mề đay, phù, hoặc mắc các vấn đề về hô hấp như phù nề thanh quản, ho, khó thở, bị tiêu chảy… Sốc phản vệ là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng và kịp thời. 

Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng dị ứng thuốc kháng sinh xuất hiện khá nhiều là do hiện nay, việc mua thuốc kháng sinh tại các hiệu bán thuốc khá dễ dàng, không cần theo đơn hoặc chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, thói quen tự điều trị theo kinh nghiệm chứ không có sự tư vấn của bác sỹ của không ít người dân cũng dẫn đến tình trạng thuốc kháng sinh bị lạm dụng, sử dụng thiếu kiểm soát. Thêm vào đó, hệ thống phòng khám tư chưa được kiểm soát nên họ thường kê nhiều kháng sinh, không khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh trước khi kê đơn… 

Dị ứng thuốc có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người già và tỷ lệ nam, nữ mắc như nhau. Cơ chế dị ứng nhanh thì có thể ngay sau khi uống thuốc đến khoảng 2 tiếng đồng hồ. Cơ chế dị ứng muộn là sau 10 ngày tiếp xúc với thuốc. Ngay tức thời là sốc phản vệ. Do đó, để tránh bị dị ứng, sốc phản vệ thuốc kháng sinh, các bác sĩ khuyến cáo: Khi bị ốm, có các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, hô hấp dưới… mọi người cần chủ động đến cơ sở khám, chữa bệnh để được các bác sĩ khám, điều trị. Khi đi khám hoặc điều trị tại các cơ sở y tế, những trường hợp đã có tiền sử dị ứng thuốc kháng sinh, thức ăn phải thông tin cho các bác sĩ nắm được để có phác đồ điều trị bệnh được an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, bác sĩ Hà Đức Trịnh, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương nhấn mạnh: Tất cả các trường hợp, khi bị bệnh, không tự ý tiêm, truyền kháng sinh tại nhà mà phải thực hiện tại các cơ sở y tế để có biện pháp cấp cứu kịp thời trong trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ.