Dành cho mắt sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn

16:28, 09/10/2019

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, nhiều bệnh lý về mắt đang diễn biến phức tạp. Trong đó, 2 bệnh lý về mắt có thể phòng tránh được vẫn là những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa là đục thủy tinh thể và tật khúc xạ ở trẻ em.

Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 2 triệu người mù loà, có thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được (bao gồm 69% là có thể chữa được và 15% có thể phòng ngừa được). Bệnh đục thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu gây mù, chiếm tỷ lệ 66,1%. Tiếp theo là các bệnh gây mù: bán phần sau nhãn cầu (16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), sẹo giác mạc (5,6%), teo nhãn cầu (3,2%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột 1,7%...

Đáng lưu ý, hiện nay tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến, với tỷ lệ mắc khoảng 10-15% ở học sinh nông thôn, 30-35% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ, trong đó 2/3 bị cận thị.

Hiện nay, tại Thái Nguyên chưa có con số thống kê cụ thể về số người mù lòa, có thị lực kém… Tuy nhiên, số người mắc các bệnh về mắt trên địa bàn tỉnh khá cao, nhất là bệnh đục thủy tinh thể ở người già và tật khúc xạ, đặt biệt là cận thị ở trẻ em. Chị Nguyễn Thị Huyền, tổ 32 phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Con trai tôi năm nay 15 tuổi nhưng đã có 9 năm bị cận thị, trong đó mắt trái chỉ còn 2/10 và mắt phải còn 3/10.  Do bị cận thị nên cháu không nhìn rõ mọi vật, nhất là khi học bài. Hằng ngày, cháu phải phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc kính cận.

Điều đáng nói là nhiều người thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn mắc các bệnh về mắt, nhất là bệnh đục thủy tinh thể nhưng không có điều kiện để đi khám hoặc phẫu thuật nên đành lòng cam chịu cảnh mù lòa … Do đó, Thái Nguyên luôn có các hoạt động chăm sóc mắt trong cộng đồng bằng nhiều hình thức phong phú. Hàng năm, hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới, các đơn vị trong ngành Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, chăm sóc mắt toàn diện, khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí các bệnh về mắt cho người dân nhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ mắt. Cùng với đó, các bệnh viện được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới. Theo đó, đội y, bác sĩ chuyên ngành mắt thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đặc biệt, nhiều năm nay, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên đã làm chủ kỹ thuật phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco và đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới về chuyên khoa mắt cho các trung tâm y tế tuyến huyện. Ngoài ra, hằng năm, nhiều bệnh viện trong tỉnh còn thực hiện khám, sàng lọc, phẫu thuật thay thủy tinh thể miễn phí cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như dịp tháng 5-2018, Bệnh viện mắt Thái Nguyên đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Phú Bình tổ chức khám, phẫu thuật mắt miễn phí cho gần 1.000 bệnh nhân.

2019 là năm thứ 17 Việt Nam tổ chức các hoạt động cộng đồng hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới. Ngày 10-10-2019, Thái Nguyên sẽ tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới tại Đồng Hỷ. Theo bác sĩ nhãn khoa Cao Đắc Thắng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ: Hưởng ứng thông điệp của Ngày Thị giác thế giới, mỗi chúng ta nên dành cho mắt sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn.

Theo đó, bác sĩ Thắng cũng gợi ý về phương pháp duy trì và nâng cao sức khỏe cho đôi mắt như bổ sung dưỡng chất từ bên trong cho đôi mắt bằng cách ăn uống đủ chất, chú ý đến những thực phẩm có lợi cho mắt như: rau, củ, trái cây có màu cam, vàng, đỏ, hoặc ngũ cốc, cá biển… Cho mắt nghỉ ngơi sau 20 phút làm việc trước màn hình điện tử bằng cách nhắm mắt 20 giây và nhìn ra xa 6 mét. Ngoài ra, hãy ngủ đủ giấc và tránh thức khuya để đôi mắt luôn tràn đầy sức sống. Khi đi ra ngoài nên trang bị kính râm có khả năng chống tia UVA, UVB và giảm độ sáng chói tốt. Chủ động tránh khói thuốc lá để tránh được tình trạng khô mắt và suy giảm thị lực.

Các bác sĩ nhãn khoa cũng khuyến cáo người dân nên đi kiểm tra mắt định kỳ. Người bình thường khám 1 lần/năm; khám sàng lọc các bệnh tật khúc xạ từ 3 - 6 tháng/lần; những bệnh nhân bị bệnh glôcôm nên đo nhãn áp định kỳ; trong trường hợp khi có bất thường về mắt cần phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Việc thăm khám định kỳ các bệnh về mắt tại các cơ sở chuyên khoa mắt sẽ giúp cho việc phát hiện sớm các bệnh về mắt, mang lại hiệu quả cao trong công tác điều trị.

Ngày Thị giác thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 với mục đích nâng cao nhận thức của toàn cầu về tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực và việc phục hồi các chức năng thị giác. Hằng năm, Ngày Thị giác thế giới được tổ chức vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ hai vào tháng 10. Từ năm 2000, Ngày Thị giác thế giới trở thành “Chương trình Thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy”. Đây là sáng kiến của tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Quốc tế về Phòng, chống mù lòa (IAPB) nhằm nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt và chữa trị cho các bệnh nhân bị khiếm thị...