Thời gian gần đây, rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bày tỏ sự lo lắng sẽ nhiễm bệnh Whitmore (melioidosis), nhất là khi nắm được thông tin có một bệnh nhân ở xã La Hiên (Võ Nhai) phải nhập viện do mắc căn bệnh này. Hầu hết, mọi người đều hiểu đây là loại bệnh “ăn thịt người”, rất khó khăn trong điều trị.
Anh Lê Văn Đạt, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Qua đọc báo, nghe đài, tôi biết Thái Nguyên đã có người nhiễm bệnh “ăn thịt người”. Vì vậy, tôi rất lo lắng mình có thể lây nhiễm căn bệnh này.
Còn chị Nguyễn Thanh Vân, tổ 19, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) nói: Tuần trước mưa to, đường ngập sâu trong nước, tôi phải lội trong nước bẩn. Hiện, trên bề mặt da tay, chân của tôi đang xuất hiện những nốt mẩn đỏ, phải chăng tôi bị nhiễm loại bệnh này rồi?
Không chỉ anh Đạt, chị Vân mà nhiều người dân trong tỉnh đang hiểu biết rất mơ hồ về loại bệnh này. Họ cho rằng bệnh Whitmore là loại bệnh “ăn thịt người” và ai nhiễm bệnh, nặng sẽ bị phá hủy nội tạng dẫn đến tử vong, còn nhẹ sẽ để lại di chứng như mất ngón tay, ngón chân, cánh mũi…
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thì đây là một cách hiểu hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, Việt Nam là nước nhiệt đới, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bùn đất (là nơi vi khuẩn Whitmore cư trú) nên việc nhiễm vi khuẩn Whitmore là điều khó tránh khỏi. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.
Những đối tượng dễ mắc bệnh là người có cơ địa yếu, sức đề kháng kém như các trường hợp mắc bệnh tiểu đường, viêm gan mãn tính, có HIV… Ơ những người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, trong lao động xảy ra xước chân, tay nhưng không vệ sinh tốt cũng có thể mắc bệnh Whitmore. Trong trường hợp mắc bệnh Whitmore nhưng không được phát hiện và chữa trị kịp thời, nhất là thể nhiễm trùng máu, thậm chí, nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.
Có thể khẳng định, việc điều trị loại bệnh này không quá khó nhưng lại khó ở chỗ các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân có nghĩ đến loại bệnh này hay không. Để phát hiện bệnh nhân bị bệnh Whitmore, các bác sĩ cho cấy máu và các mẫu bệnh phẩm ở cơ thể. Về phác đồ điều trị bệnh, các bác sĩ dùng kháng sinh nhóm Ceftazidime hoặc Carbapenem, Cotrimoxazole tấn công liều cao liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì thêm 3 đến 6 tháng nữa. Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Huyền cho hay: Bệnh nhân phải được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao thì hiệu quả chữa bệnh mới đạt được như mong muốn. Do đó, người bệnh cần kiên trì, không được bỏ cuộc giữa chừng. Những bệnh nhân điều trị bệnh chưa dứt điểm, nguy cơ tái phát và tử vong cao.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Tuy nhiên, loại bệnh này có thể phòng tránh được. Do chủ quan, khi làm việc, nhất là làm việc đồng áng, nông dân thường đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ. Đây chính là nguyên nhân khiến họ dễ dàng bị vi khuẩn tấn công. Bởi vậy, những người làm việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.
Cùng với đó, để phòng tránh bệnh Whitmore, mọi người hãy chủ động biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động, sinh hoạt, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn...
Đặc biệt, trong thời điểm người dân trên địa bàn tỉnh đang hoang mang, chưa hiểu đúng về loại bệnh này, các cấp, ngành chức năng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con. Qua đó, một mặt giúp bà con hiểu rõ về đặc điểm của bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế khi có một trong những triệu trứng của bệnh để được kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời. Mặt khác, giúp mọi người có biện pháp phòng tránh bệnh một cách hữu hiệu nhất.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Tại Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay đã phát hiện một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. |