Trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ các loại hàng hóa trong đó có thực phẩm, thu hút khá đông người tiêu dùng, nhưng chợ truyền thống vẫn là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến bữa ăn của phần lớn các gia đình. Mặc dù ý thức của cả người bán và người mua đã nâng lên, song tình trạng kinh doanh, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn vẫn điều đáng bàn.
Tại một số chợ trên địa bàn T.P Thái Nguyên như: Chợ Thái, Túc Duyên, Tân Long, Dốc Hanh… và một số chợ phiên tại các huyện Phú Bình, Võ Nhai…, chúng tôi thấy các mặt hàng thực phẩm được bày bán ngày càng đa dạng, gồm: Thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản tươi sống; thức ăn chín; bánh kẹo… với nhiều mẫu mã, chủng loại.
Bên cạnh thực phẩm tươi sống là các sản phẩm chế biến sẵn. Một trong những điều khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, thậm chí là lo ngại khi không ít sản phẩm bày bán được đựng trong những xô, thùng hoặc đóng trong túi nilon mà theo cảm quan dễ dàng nhận thấy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đáng ngại hơn, một số loại thực phẩm khô như: Thịt bò, gà, lợn, mực tẩm gia vị… chỉ có giá trên dưới 100 nghìn đồng/kg vẫn được nhiều người lựa chọn, trong khi nguyên liệu tươi để chế biến các món ăn này thì đã có giá bằng hoặc cao hơn gấp đôi, gấp ba, đó là chưa kể công làm và các chi phí khác. Nhiều loại phụ gia, chất bảo quản, trong đó có những loại bị cấm trong chế biến thực phẩm nhưng nếu đã quen vẫn có thể mua được tại một số quầy hàng.
Hay như một số món ăn: Chân gà, tràng trứng, dạ dày, tim, cật… là những thứ không dễ để có được một số lượng lớn nhưng lại được một số tiểu thương bày bán hàng ngày và sẵn sàng đáp ứng theo đơn đặt hàng của khách. Đây là điều khiến chúng tôi không thể không đặt câu hỏi nghi vấn và liên tưởng đến nhiều vụ việc bị lực lượng chức năng xử lý thời gian gần đây liên quan tới nội tạng, chân gà, mỡ động vật bốc mùi hôi thối nhưng lại trở nên tươi ngon với “công nghệ” tẩm ướp bằng hóa chất độc hại.
Trong vai một khách hàng ngỏ ý muốn đặt hàng thường xuyên đối với hai tiểu thương, chúng tôi muốn được làm rõ nguồn gốc sản phẩm thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung là lấy hàng ở cơ sở có uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng còn cụ thể ở đâu thì không thể nói vì phải giữ mối riêng.
Không chỉ thiếu nguồn gốc xuất xứ, nhiều thực phẩm bày bán tại chợ còn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi đồ ăn sống và đồ ăn chín được bày bán cạnh nhau; nước thải ứ đọng, phế phẩm của các loại mặt hàng tươi sống bị vứt bừa bãi… đã khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn…
Mặc dù lo ngại về chất lượng sản phẩm, thế nhưng yếu tố tiện lợi, giá cả phù hợp đã khiến không ít người tiêu dùng vẫn vô tư sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Chị Lương Thị Vân, xóm Ao Vàng, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mỗi khi đi chợ, điều tôi quan tâm đầu tiên là giá cả hàng hóa có phù hợp hay không bởi hai vợ chồng đều là công nhân, trung bình mỗi tháng chỉ được gần 8 triệu đồng, trong khi phải chi tiêu rất nhiều. Có lúc tôi cũng hoài nghi một số loại đồ ăn về nguồn gốc nhưng cũng không có lựa chọn nào tốt hơn. Vì thế, tôi mong sao có những khu chợ dành riêng cho người thu nhập thấp mà được “bảo lãnh” bởi tổ chức công đoàn hoặc một cơ quan chức năng nào đó…
Có thể thấy rằng, có những mặt hàng chỉ cần qua phân tích hoặc để ý một chút là đã thấy không đảm bảo chất lượng cũng như an toàn thực phẩm, tuy nhiên nó vẫn đang ngày ngày xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình và các quán ăn, nhà hàng. Sở dĩ có thực trạng này là do một tỷ lệ không nhỏ người tiêu dùng chưa thực sự chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm; còn các tiểu thương thì lại đặt lợi ích kinh tế lên trên quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng nên đã trở thành cánh tay nối dài của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.
Được biết, theo báo cáo thống kê, hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, đây vẫn là con số quá khiêm tốn so với thực tế và mức độ xử phạt chưa tạo được tính răn đe. Vì thế, thiết nghĩ, để ngăn chặn thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường, trước hết bản thân người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, tuyệt đối không mua, sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc; thậm chí khi thấy nghi ngờ cần báo cho lực lượng chức năng để xử lý.
Các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đến cả người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức sản xuất, phân phối thực phẩm bẩn; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và tước giấy phép kinh doanh khi cần.
Ngoài ra, đối với các nhà sản xuất, kinh doanh, cũng cần tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, giới thiệu về các sản phẩm đạt tiêu chuẩn để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết; làm tốt trong việc phối hợp để xử lý những trường hợp nhái thương hiệu, buôn bán hàng giả, hàng lậu. Đồng thời, cũng cần quan tâm nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường bình dân để mở rộng mạng lưới phân phối đến các chợ, đặc biệt là địa phương vùng sâu, vùng xa để người dân có thêm nhiều lựa chọn…