Cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo nhiều nhu cầu của người dân cũng thay đổi, theo hướng tiện ích, nhanh gọn. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất chính là nhu cầu đối với các loại thực phẩm được đóng túi, đóng hộp, làm sẵn, những món đồ ăn liền, ăn nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi thì loại mặt hàng này vẫn được nhắc đến với nhiều tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Hy vọng, những khuyến cáo sau đây sẽ phần nào giúp được người tiêu dùng có thêm thông tin khi lựa chọn sản phẩm.
Để tìm hiểu về thực phẩm đóng sẵn, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại nhiều cửa hàng tạp hóa, một số khu chợ và siêu thị. Điều dễ dàng nhận thấy đó là hầu hết các loại thức ăn cả chín và sống đều được đóng gói, đóng hộp trông khá hấp dẫn, bắt mắt. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những mặt hàng ăn sẵn, ăn liền và đồ ăn chín mà người mua có thể sử dụng ngay khi mở túi.
Trước hết, không thể phủ nhận được những lợi ích mang lại từ các mặt hàng thực phẩm đóng sẵn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là những người ít có thời gian dành cho việc bếp núc. Chị Trần Thu Trang, tổ 3, phường Quang Trung chia sẻ: Do đặc thù công việc, tôi ít có điều kiện đi chợ hàng ngày nên mỗi tuần, tôi thường dành gần như cả buổi sáng ngày nghỉ để đi siêu thị mua những thứ cần thiết cho gia đình, trong đó chủ yếu là đồ nấu ăn. Từ thịt, cá, trứng, giò, nem, rau, củ, quả…, tất tận tật, cái gì cũng đều được đóng túi, đóng gói sẵn. So với ngoài chợ, giá mua thực phẩm trong siêu thị đắt hơn khoảng 15-20%, nhưng đổi lại, đi một nơi mua được nhiều thứ, tiết kiệm không ít thời gian mà lại có cảm giác yên tâm hơn khi sử dụng vì hầu hết các mặt hàng đều ghi rõ nguồn gốc nên tôi cảm thấy yên tâm.
Với hơn 2 năm thường xuyên mua đồ đóng sẵn, chị Trang chia sẻ một vài “kinh nghiệm”: Đầu tiên đó là nhìn hạn sử dụng. Tuyệt đối không mua sản phẩm đã quá đát (hết hạn sử dụng), cận đát, không rõ đát hoặc bị tẩy xóa. Nên chọn mua những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, được các cơ quan chức năng công nhận về chất lượng, độ an toàn, nếu đã được trao chứng nhận, giải thưởng bởi những tổ chức có uy tín thì càng yên tâm hơn. Đối với những sản phẩm bắt buộc có tem nhãn, thì ngoài hạn sử dụng, ngày sản xuất, phải đảm bảo các yếu tố: Tên, địa chỉ cơ sở sản xuất; thành phần cấu tạo, trọng lượng, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản, giấy phép kinh doanh...
Còn theo ông Nguyễn Thế Chiến, Phó Đội trưởng Đội liên ngành, Cục Quản lý thị trường tỉnh thì ngoài các yêu cầu trên, người mua hàng nên chọn mua ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, được cấp phép cũng như các chứng nhận khác (như chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…), để trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm hay chót mua phải hàng không đảm bảo, hàng giả, hàng nhái… thì khách hàng sẽ thuận lợi hơn trong việc khiếu nại với chủ cơ sở bán hàng, cũng như dễ dàng được cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi.
Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình kiến thức nhất định về các sản phẩm thực phẩm đóng gói để không mua phải những sản phẩm thiếu an toàn. Chẳng hạn như đối với một số mặt hàng như pho mát, xúc xích, thịt hun khói…, điều kiện bảo quản là ở nhiệt độ mát, nghĩa là phải trong tủ bảo ôn, tủ lạnh hoặc khu vực có máy điều hòa. Vì thế, nếu sản phẩm được bày bán không đảm bảo thêm yếu tố này, khách hàng không nên chọn mua.
Cùng với đó, đối với những sản phẩm được đóng trong túi hoặc hộp, lọ trong suốt, có thể nhìn thấy sản phẩm, thì nếu thấy sự khác thường của sản phẩm như mốc, có màu sắc khác lạ hoặc túi, hộp không còn nguyên vẹn, bị phồng, móp, rách, thủng… cũng không nên mua, bởi khi đó, điều kiện bảo quản đã không còn đảm bảo, rất có thể thức ăn đã bị vi khuẩn xâm nhập, không còn đảm bảo phẩm cấp theo công bố của nhà sản xuất cũng như tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở một góc độ khác, theo khuyến cáo của các bác sĩ và kỹ sư hóa thực phẩm, chúng ta không nên lạm dụng, sử dụng quá nhiều, thường xuyên những sản phẩm đóng túi, đóng hộp, nhất là thức ăn chín, bởi trong thành phần cấu tạo sản phẩm, bao giờ cũng có chất bảo quản, chất phụ gia…. Các chất này có thể tích lũy trong cơ thể, khi lượng đủ lớn rất dễ gây ra các tác hại đến sức khỏe như bệnh tim mạch, thậm chí ung thư. Những thực phẩm có lượng chất béo cao, có thể gây béo phì. Đáng lo ngại hơn khi nhiều nghiên cứu khoa học tại các nước phát triển như Mỹ, Canada cho thấy đa số các loại sản phẩm đóng hộp đều có hàm lượng các chất hóa học độc hại BPA vượt mức cho phép. Trong khi đó, BPA là nguyên nhân chính gây nhiều bệnh như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, gây vô sinh, bệnh tiểu đường, hen suyễn…
Có thể thấy, bên cạnh những tiện ích mà thực phẩm đóng túi, đóng hộp mang lại thì kèm theo đó lại là những rủi ro, tác động trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng. Vì thế, mỗi người cần cân nhắc nên hay không nên mua, sử dụng đối với những loại sản phẩm nào để vừa giúp mang lại sự thuận tiện trong công việc nội trợ, vừa đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân khi sử dụng.