Coi trọng y tế dự phòng để hạn chế dịch bệnh

10:01, 04/03/2020

Xác định công tác y tế dự phòng có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm giảm tình trạng bệnh tật trong cộng đồng nên thời gian qua, ngành Y tế Thái nguyên đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này đồng bộ, hiệu quả.  

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng tôi luôn coi công tác y tế dự phòng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hằng năm, Sở tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người. Từ đó, các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Theo đó, Sở đã giao các đơn vị trực thuộc phụ trách các lĩnh vực, phạm vi cụ thể. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối, tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện; tích cực tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch sớm, cách ly, khoanh vùng, xử lý môi trường; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm quan tâm phát triển đội ngũ làm công tác dự phòng không ngừng nâng cao chất lượng phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh cho hay: Chúng tôi thường xuyên cử cán bộ làm công tác y tế dự phòng tham gia các khóa đào tạo do Trung ương tổ chức; tổ chức đào tạo, tập huấn cho mạng lưới làm công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở về điều tra, giám sát và các nghiệp vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nhờ đó, đội ngũ làm công tác dự phòng ngày càng chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, luôn chủ động bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để bệnh dịch. 

Không dừng lại ở đó, Trung tâm còn chủ động kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại trung tâm y tế 9 huyện, thành, thị và các trạm y tế tuyến xã. Qua đó, đề xuất hoạt động chuyên môn để các đơn vị chủ động, sẵn sàng về phương án, kế hoạch, nhân lực, vật lực nhằm triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai việc tiêm chủng mở rộng theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng. Hằng năm, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ luôn đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện luôn đạt trên 90%; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng uốn ván ước đạt 98%... Năm 2019, trung tâm đã tiến hành 427 lượt giám sát tại các xã, phường, thị trấn về việc thực hiện các quy định hiện hành trong công tác tiêm chủng, hướng dẫn, hỗ trợ tuyến cơ sở trong quản lý, ghi chép sổ sách theo dõi của chương trình theo đúng quy định. Cùng với đó, thực hiện được 337 lượt giám sát bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vắc xin viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ tuyến cơ sở trong quản lý, ghi chép sổ sách theo dõi của chương trình theo đúng quy định. 

Song song với các hoạt động nêu trên, hiện nay, Thái Nguyên đã và đang xây dựng mạng lưới giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng từ thành phố đến cơ sở, đáp ứng và duy trì các hoạt động khám, sàng lọc, tư vấn và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại hơn 110 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Trạm y tế các xã, thị trấn còn hướng dẫn người dân diệt muỗi, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết…

Anh Nguyễn Văn Thảo, một người dân ở xóm Hòa Bình, xã Quân Chu (Đại Từ) cho biết: Cán bộ y tế xã không chỉ vận động người dân chúng tôi phát quang xung quanh nhà, diệt bọ gậy mà còn hướng dẫn mọi người cách phun thuốc khử trùng, diệt muỗi để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. 

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt cũng được ngành Y tế tổ chức thường xuyên. Năm qua, ngành đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh lấy mẫu nước xét nghiệm tại các cơ sở cung cấp nước ăn uống, bể bơi, trường học trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện hơn 110 mẫu có chỉ tiêu xét nghiệm không đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và thông báo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời.

Có thể khẳng định, với nhiều nỗ lực trong công tác y tế dự phòng, những năm qua, Thái Nguyên không để xảy ra dịch bệnh lớn; một số ổ dịch nhỏ được khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác y tế dự phòng, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động, đảm bảo tối đa nhu cầu về vắc -xin, vật tư tiêm chủng tại các xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh giám sát phản ứng sau tiêm chủng và tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt cũng như giám sát các bệnh không lây nhiễm và tiến tới quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh…