Thuốc chloroquine - một loại thuốc điều trị sốt rét được đồn thổi có thể dự phòng COVID-19 đang được nhiều người dân săn lùng khiến giá thuốc này liên tục tăng trong gần một tuần qua. Và thực tế, một bi kịch đã đến với chính người dân của chúng ta khi vừa qua, một bệnh nhân đã ngộ độc nặng vì tự dự phòng COVID-19 bằng cách uống tới 10 viên thuốc này.
Nguy kịch tính mạng vì sử dụng 10 viên chloroquine phòng COVID-19
Ngày 7-3, một bệnh nhân nam 43 tuổi, ở Hà Nội đã được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng ngộ độc nặng. Trước đó, khi nghe thông tin loại thuốc chloroquine có thể uống dự phòng COVID-19, người đàn ông này đã mua rất nhiều về tích trữ. Ngày 7-3, bệnh nhân đã uống 10 viên. Và chỉ sau đó thời gian ngắn, bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc với tình trạng mặt đỏ, nóng bừng, nhìn mờ, run tay.
Bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu với các biện pháp ban đầu là rửa dạ dày, dùng than hoạt, thở máy không xâm nhập kịp thời, sau đó chuyển cấp cứu đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau quá trình cấp cứu, bệnh nhân đã ổn định và đang dần hồi phục sức khỏe. Theo BS Nguyên, loại thuốc bệnh nhân sử dụng là chloroquine có tác dụng chữa sốt rét, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ… Đây là thuốc có tính độc cao, nếu dùng liều điều trị không đúng sẽ dẫn tới ngộ độc, gây ra ù tai, điếc, mù, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, dễ tử vong…
Chia sẻ thêm về thông tin này, TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, rõ ràng, bệnh nhân đã bị tác động bởi những thông tin không chính xác nên đã tự ý mua thuốc với ý nghĩ rằng uống sẽ có thể dự phòng được Covid-19 mà không theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
“Bệnh nhân uống 10 viên chloroquine là vượt rất nhiều liều lượng điều trị đã đề ra. Thuốc này được sử dụng trong cả phòng ngừa và điều trị. Nhưng ngay với liều điều trị sốt rét thông thường, chúng tôi cũng chỉ kê toa điều trị không quá bốn viên một ngày”, BS Hùng nói.
Không tích trữ, không tự ý uống dự phòng
Đó là nhấn mạnh của TS, BS Lê Quốc Hùng trước thực trạng loại thuốc chloroquine đang được nhiều người dân tìm mua trong gần một tuần qua.
BS Hùng cho biết, hiện nay có nhiều nghiên cứu về loại thuốc này để điều trị COVID-19, có nghiên cứu làm trong labor, có nghiên cứu làm trên bệnh nhân. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hydroxychloroquin có tác dụng ức chế sự phát triển của virus (trong ống nghiệm) gấp ba lần so với chloroquin (ở liều thử nghiệm). Hydroxychloroquin có tác dụng kháng viêm khá tốt, có tác dụng tốt cho việc ngăn chặn tiến trình tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp (hay các cơ quan nội tạng) và ngăn chặn diễn tiến tới sốc ở những bệnh nhân nặng.
Tuy nhiên, những nghiên cứu này hiện chỉ làm ở quy mô nhỏ, chưa có một nghiên cứu nào khẳng định kết quả điều trị ở quy mô lớn. Thế giới đã có Mỹ, Pháp, và Trung Quốc có nhiều báo cáo về thử nghiệm này nhưng chưa nước nào đưa thuốc này vào sử dụng ở quy mô rộng.
“Việc người dân đổ xô đi mua thuốc này tích trữ có thể do ảnh hưởng của phát ngôn một số nước về loại thuốc này. Cũng có thể, người dân khi thấy chia sẻ của một số bác sĩ về các kết quả nghiên cứu của các nơi nói về loại thuốc này, nên người ta nghĩ rằng đó là một loại đã được sử dụng rồi. Thực tế, tất cả những thông tin nghiên cứu được chia sẻ chỉ nói đến khả năng điều trị của thuốc này với COVID-19, nhưng chưa xác định chính xác được loại thuốc điều trị hữu hiệu nhất. Để đưa một thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe và đòi hỏi thời gian dài hơi cũng giống như thử nghiệm vaccine”, BS Hùng nói.
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, hydroxycloroquin/chloroquin có rất nhiều tác dụng phụ đã được ghi nhận như ảnh hưởng thị lực mắt, gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD. Thuốc này cũng gây ra các bệnh lý tim mạch như kéo dài khoảng QT, bệnh lý của cơ tim… đây là tác dụng nguy hiểm nhất có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử.
Vì thế, BS Hùng nhấn mạnh, loại thuốc này khi bác sĩ kê đơn đều phải tính toán đến liều lượng, tác dụng phụ và thậm chí có những người tuyệt đối không thể sử dụng thuốc. “Bất kỳ loại thuốc chữa bệnh là thuốc trở thành gây độc nếu sử dụng không đúng bệnh và không đúng liều lượng. Những loại thuốc bổ, thuốc chữa thông thường nhất đôi khi chữa không đúng cũng thành thuốc độc”, BS Hùng cho hay.
Các chuyên gia truyền nhiễm khuyến cáo, người dân không nên tích trữ dự phòng loại thuốc này. Hydroxycloroquin/chloroquin là thuốc phải kê đơn, việc sử dụng thuốc như thế nào cho có hiệu quả (liều bao nhiêu, thời gian bao lâu) phải do bác sĩ quyết định. Người dân không thể tự sử dụng như các loại thuốc cảm cúm thông thường.
Hiện nay Việt Nam chưa có khuyến cáo sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Thuốc không được nghiên cứu để dùng dự phòng bệnh. Đây không phải là thuốc dự phòng COVID-19 mà người dân cố tìm mua để tự ý sử dụng như nhiều người nhầm tưởng.
BS Hùng cho biết, trong quá khứ đã có rất nhiều người đổ xô đi tìm mua Tamiflu (có khi với giá cắt cổ) để sẵn sàng điều trị cúm tại nhà. Kết quả là các cơ sở y tế khan hiếm thuốc điều trị, thuốc bị các đối tượng đầu cơ tăng giá, còn những người đã mua thuốc thì sau đó đem bỏ đi.
Hãy tin vào năng lực điều trị của Việt Nam
Tại Việt Nam, phần lớn những người khỏi bệnh chỉ được dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ mà không có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều này cũng chứng minh được rằng với số lượng người mắc bệnh không nhiều, không để tình trạng quá tải gây áp lực lên ngành y tế thì người bệnh vẫn được điều trị khỏi bất chấp việc không có thuốc điều trị đặc hiệu.
BS Hùng chia sẻ, Chính phủ và ngành y tế Việt Nam làm rất nhiều việc với kết quả tốt hơn nhiều nước khác nhưng người dân lại hay nghe theo những thông tin không chính thống. “Nghịch lý là họ sợ bệnh dịch nhưng lại không sợ khi lấy bản thân mình ra thử thuốc như trường hợp bệnh nhân nam nói trên”, BS Hùng nói.
Hiện tại Việt Nam ghi nhận 113 ca mắc COVID-19, có 17 ca được điều trị khỏi và có nhiều ca đang hồi phục sức khỏe rất tốt. Công tác phòng chống dịch, kết quả phòng, chống dịch đã được chứng minh, Việt Nam cũng chưa có ca nào tử vong là khẳng định lớn nhất về năng lực điều trị của Việt Nam.
Do đó, BS Hùng nhấn mạnh, người dân nên tin vào phác đồ điều trị của ngành y tế. Khi chắc chắn về tác dụng của thuốc đặc hiệu điều trị COVID-19, các bác sĩ sẽ là người đầu tiên dùng nó để điều trị cho người dân.