Bệnh lao phổi và COVID-19 có điểm giống nhau là đều lây lan theo đường hô hấp qua tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm khác biệt. Cụ thể, trực khuẩn lao vẫn lơ lửng trong không khí dưới dạng các hạt bụi nhỏ giọt bắn trong vài giờ sau khi bệnh nhân lao phổi ho, hắt hơi, la hét… và những người hít phải chúng có thể bị nhiễm bệnh.
Kích thước của các hạt bụi nhỏ giọt bắn này là một yếu tố chính quyết định sự lây nhiễm bệnh. Nồng độ của vi khuẩn lao lơ lửng trong không khí giảm khi có sự thông gió và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp.
COVID-19 lây truyền chủ yếu qua việc hít trực tiếp các giọt bị bắn xuất phát từ người bị COVID-19. Các giọt bắn này có thể do ho, hắt hơi, thở ra và nó có thể rơi xuống bề mặt của các đồ vật, sàn nhà và khi tiếp xúc có thể bị nhiễm COVID-19 qua động tác chạm vào chúng và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Do đó, ngoài các biện pháp phòng ngừa hô hấp, rửa tay rất quan trọng trong việc kiểm soát COVID-19. Mặt khác, các phương tiện tại bệnh viện tạo ra khí dung có khả năng gây nhiễm cả hai bệnh. Do vậy chỉ nên tiến hành các biện pháp khí dung trong môi trường được bảo vệ đã khuyến cáo.
Kinh nghiệm về nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân lao hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng theo một vài nghiên cứu cho rằng, những người mắc cả bệnh lao và COVID-19 có một kết quả điều trị kém, đặc biệt là nếu việc điều trị lao bị gián đoạn thì tiên lượng sẽ xấu hơn. Bác sĩ Trần Đình Thanh cho rằng, bệnh nhân lao nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của các cơ quan Y tế để được bảo vệ khỏi nhiễm COVID-19 và tiếp tục điều trị lao theo quy định.
Virus Sars-CoV-2.
Cả hai bệnh lao và COVID-19 đều tấn công chủ yếu vào phổi và mặc dù cả hai bệnh đều lây nhiễm chủ yếu qua tiếp xúc gần nhưng thời gian ủ bệnh từ khi phơi nhiễm lao tới khi biểu hiện bệnh lao kéo dài hơn, thường khởi phát chậm. Trong khi đó, thời gian ủ bệnh của COVID-19 trung bình 2 tuần và triệu chứng ồ ạt hơn.
Theo WHO, tất cả các biện pháp chẩn đoán và điều trị lao nên được thực hiện bảo đảm tính liên tục việc điều trị dự phòng và điều trị bệnh lao. Chương trình chống lao của Việt Nam hiện đang thực hiện rất tốt luôn bảo đảm tính ổn định và rộng khắp.
Về phòng ngừa: Các biện pháp phòng ngừa dựa theo khuyến cáo của các tổ chức Y tế như: Giãn cách xã hội - Mang khẩu trang - Rửa tay thường xuyên.
Về chẩn đoán: Chính xác là điều cần thiết cho cả lao và COVID-19. Xét nghiệm chẩn đoán hai bệnh là khác nhau và cả hai nên được thực hiện cho những người có các triệu chứng hô hấp tùy tình hình của mỗi quốc gia.
Về điều trị và chăm sóc: Chăm sóc điều trị bệnh nhân lao chủ yếu là ngoại trú tại nhà, trừ khi bệnh nghiêm trọng cần phải nhập viện, để giảm lây nhiễm và đây là hình thức "giãn cách xã hội" trong chống lây nhiễm COVID-19. Điều trị lao phải được bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc cho tất cả bệnh nhân lao, kể cả những người trong vùng dịch COVID-19 và những người mắc bệnh COVID-19. Sử dụng các công nghệ y tế kỹ thuật số theo dõi người bệnh.