Thái Nguyên hiện có 24 bệnh viện công lập và ngoài công lập. Với mong muốn cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, các phương pháp tiên tiến đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, khoảng 5 năm trở lại đây, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ y học tiên tiến mà còn tích cực đầu tư đồng bộ nhiều trang thiết bị hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ khám và điều trị cho người bệnh.
Một trong những bệnh viện đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị y tế phải kể đến Bệnh viện C Thái Nguyên. Để hỗ trợ tối ưu cho việc chẩn đoán và điều trị, mới đây, Bệnh viện đã mua sắm hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), giúp đơn vị thực hiện được kỹ thuật chụp động mạch vành qua da trên hệ thống máy DSA (Digital Subtraction Angiography). Bác sĩ chuyên khoa cấp II Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay: Với nhiều ưu điểm, kỹ thuật này giúp bác sĩ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu; giúp cho việc chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến sự tuần hoàn của máu trong cơ thể; lên kế hoạch giải phẫu và giúp xác định chính xác các vị trí tổn thương bên trong cơ thể. Nhờ có máy DSA, nhiều trường hợp bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim được xác định, chẩn đoán rõ ràng, can thiệp kịp thời trong khoảng thời gian vàng nên đã được cứu sống.
Ngoài hệ thống máy móc nêu trên, hiện nay, viện C Thái Nguyên cũng đã trang bị được nhiều loại máy móc thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh như: máy chụp X.Quang, máy nội soi dạ dày- đại tràng-trực tràng; máy điện tim, máy điện não, máy siêu âm đo độ loãng xương...
Tương tự, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên cũng là cơ sở khám, chữa bệnh mạnh dạn đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Nhờ đó, Bệnh viện đã áp dụng điều trị hiệu quả một số bệnh như: Liệt nửa người do tai biến mạch máu não, thiểu năng tuần hoàn não, các bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh về khớp và thần kinh, điều trị trĩ bằng nội soi ống cứng - tiêm xơ búi trĩ, bệnh lý hậu môn trực tràng… Bác sĩ chuyên khoa cấp II Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Năm 2018, chúng tôi đã bổ sung thêm trang thiết bị máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy laser điều trị sắc tố da, máy chụp X-quang kỹ thuật số, qua đó góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Điều đáng mừng là nhờ có trang thiết bị máy móc, Bệnh viện đã sản xuất được 10 chế phẩm thuốc y học cổ truyền phục vụ điều trị theo hướng cải tiến chuyển dạng sản phẩm đảm bảo an toàn, dễ sử dụng…
Không riêng gì các bệnh viện nêu trên, từ năm 2014 đến nay, bệnh viện Gang thép Thái Nguyên cũng đã tranh thủ mọi nguồn lực để cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư đổi mới trang thiết bị y khoa nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn như máy siêu âm màu 4D, dao siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, máy nội soi tai mũi họng, máy nội soi đại tràng can thiệp, máy tán sỏi lazer, máy siêu âm tim, máy xét nghiệm miễn dịch, máy xét nghiệm máu, máy theo dõi nhịp thở bệnh nhân, đang đầu tư máy chụp cộng hưởng từ, hệ thống đo tải lượng virut để điều trị các bệnh viêm gan virut A, B, C… Còn tại Bệnh viện A Thái Nguyên, nhờ đầu tư được nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nên cơ sở y tế này đã làm chủ được các kỹ thuật chẩn đoán bằng máy CT - Scaner 128 dãy, máy Cộng hưởng từ 1,5 tesla; triển khai thành công kỹ thuật chụp mạch vành, mạch não, mạch cảnh; các kỹ thuật điện quang can thiệp như tiêm thẩm phân cột sống, dưới bao gân, sinh thiết lõi dưới hướng dẫn của CT - Scaner…; nút mạch trong u gan, nút mạch trong điều trị vỡ lách, nút mạch phế quản trong cấp cứu ho ra máu, nút mạch điều trị u xơ tử cung…
Từ thực tế trên có thể khẳng định, thông qua việc mạnh dạn đầu tư trang thiết bị y tế đã tạo điều kiện cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh thực hiện được nhiều kỹ thuật của bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho bệnh nhân, giảm số ngày điều trị trung bình, giảm tử vong trước 24 giờ. Điều đáng nói là trình tự, thủ tục đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế tại các bệnh viện thời gian qua đều được thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo Sở Y tế khẳng định thì trang thiết bị tại các bệnh viện cơ bản được đầu tư theo danh mục quy định và yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh; được các cơ sở y tế đưa vào quản lý, sử dụng hiệu quả, kịp thời phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Mỗi thiết bị đều có lý lịch riêng và quy trình vận hành cụ thể; các thiết bị lớn, hiện đại còn được lập thêm sổ nhật ký sử dụng để theo dõi về tần suất hoạt động, hiệu quả đầu tư. Hàng năm, trang thiết bị của các bệnh viện đều được kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng, bảo trì, sửa chữa, kiểm kê đảm bảo theo quy định.