Sống chung an toàn với dịch bệnh

06:49, 13/05/2020

Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 20 ngày không phát sinh thêm bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đây là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, mỗi người dân Thái Nguyên vẫn nên nêu cao cảnh giác, không chủ quan mà phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống để sống chung an toàn với dịch bệnh.

Duy trì thói quen lành mạnh để bảo vệ sức khỏe là một trong những biện pháp phòng dịch hữu hiệu. Chị Trần Hoa, huấn luyện viên bộ môn Yoga, Câu lạc bộ Yoga Hoa Sen, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Khi Việt Nam xuất hiện ca dương tính với COVID-19, nhiều người bày tỏ sự lo lắng. Mọi người rất muốn tôi tư vấn xem có nên đến phòng tập hay luyện tập thế nào để cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng. Thậm chí nhiều người còn nghỉ tập, không dám tiếp xúc với người ngoài để đảm bảo an toàn cho bản thân. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm huấn luyện viên, chị Hoa cũng cũng lo lắng về khả năng lây nhiễm COVID-19. Dù vậy, chị không nghỉ tập mà còn động viên các thành viên trong câu lạc bộ duy trì luyện tập đều đặn. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chị duy trì cho các thành viên tập Yoga theo hình thức trực tuyến. Chị cho rằng, tập luyện thường xuyên như vậy sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại các loại virus gây bệnh, trong đó có COVID-19.

Dù đã hết thời hạn giãn cách nhưng để bảo đảm an toàn cho bản thân và các thành viên trong câu lạc bộ, chị Hoa luôn nhắc nhở mọi người tuân thủ một số nguyên tắc như: Luôn giữ khoảng cách trên 1m; tránh sờ vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên với nước rửa tay có cồn hoặc xà phòng trước và sau khi tập luyện. Đồng thời, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ. Đặc biệt là mỗi ngày nên uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thêm rau xanh, trái cây…

Còn theo chị Nguyễn Thị Hậu, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), một người có gần 10 năm gắn bó với bộ môn Erobic thì cho rằng: Hiện nay đang bước vào mùa Hè, là thời điểm dễ bùng phát nhiều loại bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt rét… Vì vậy, bên cạnh tập trung phòng, chống dịch COVID-19, mọi người không nên quên phòng, chống các dịch bệnh khác.

Với chị Đào Thu Hương, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cùng với việc duy trì đạp xe vào các buổi sáng để tăng cường sức khỏe, hằng ngày, chị luôn theo dõi các thông tin được đăng tải trên mạng để có thể tiếp nhận tin tức về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng, chống từ những nguồn chính thống như Bộ Y tế, Chính phủ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tờ báo uy tín.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Bên cạnh việc tăng cường sức khỏe, trong thời điểm này, người dân không nên chủ quan mà vẫn phải duy trì các biện pháp phòng dịch, từ đó hình thành những thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Cụ thể, mỗi người luôn duy trì thói quen rửa tay để hạn chế sự lây lan vi khuẩn, virus gây bệnh. Nhất là khi đến những nơi công cộng, tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, cầu thang, bàn phím; mỗi lần rửa tay khoảng 30 giây mới hiệu quả… Chị Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) nói:  Mỗi khi từ bên ngoài trở về nhà, chúng ta nên rửa tay bằng xà phòng để giúp loại bỏ virus dính trên tay, hơn nữa cũng giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh cho những thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, để phòng tránh COVID-19 hiệu quả tại nhà, người dân nên súc họng với dung dịch sát khuẩn. Việc sử dụng dung dịch sát khuẩn vùng hầu họng để súc miệng cũng cần phải đúng cách mới hiệu quả. Cùng với đó, mọi người vẫn nên đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến những nơi công cộng; giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng; hạn chế sử dụng máy lạnh, không để nhiệt độ trong phòng dưới 25 độ C…

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng hoàn toàn có thể xuất hiện thêm các ca bệnh mới, đặc biệt là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về. Theo nhận định của các chuyên gia về dịch tễ, chỉ tới khi có thuốc đặc trị, mới có thể coi là cơ bản hết dịch. Bởi vậy, cùng với việc không chủ quan, nâng cao ý thức bảo vệ bản thân để sống chung an toàn với dịch bệnh, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nên tạo năng lực để khôi phục sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...