Đó là tâm niệm của Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thị Hoa (Quỳnh Hoa) khi nói về nghề Y mà chị đã dành trọn tâm sức, trí tuệ để cống hiến hết mình. Nay đã về nghỉ hưu ở tổ dân phố 10, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên, nhưng Thạc sĩ - bác sĩ Quỳnh Hoa (nguyên Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh) vẫn dành thời gian khám, chữa bệnh phụ khoa cho chị em. Nhờ chuyên môn vững vàng, tấm lòng nhân ái, chị được rất nhiều bệnh nhân tin tưởng, quý trọng.
Chị Hoa trẻ hơn tuổi 59 bởi ánh mắt sáng như biết nói, cử chỉ gần gũi, thân tình, tác phong nhanh nhẹn. Trong một ngày, thời gian của chị được sắp xếp khoa học, ngoài lúc khám, chữa cho bệnh nhân theo giờ, chị dành thời gian chăm sóc gia đình, mảnh vườn nhỏ có rau xanh và nhiều loại hoa; tham gia câu lạc bộ khiêu vũ, chơi thể thao để giữ gìn sức khỏe và vóc dáng. Trò chuyện với chị, chúng tôi được truyền cảm hứng từ những điều chị nghĩ, chị làm.
Chị bảo, đối với nghề Y, cái đức của người thầy thuốc không chỉ nằm ở tâm và còn phải nằm cả ở chuyên môn. Bởi người thầy thuốc đó có dù tốt đến mấy mà chuyên môn không vững vàng thì rất dễ chẩn đoán bệnh thiếu chính xác, dẫn đến hậu quả khó lường. Từ tâm niệm như vậy, nên chị không ngừng trau dồi, nâng cao y đức.
Đọc sách là một trong những niềm đam mê của chị từ thuở nhỏ cho đến tận bây giờ. Chị có thể không mua thứ này thứ kia, nhưng nhất định phải mua sách để đọc. Qua những trang sách, tâm hồn chị được khai mở, thấm nhuần đạo lý nhân sinh. Chị tâm sự: Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm! Bố mẹ sinh tới 12 anh, chị em. Nhiều khi trong bữa ăn chỉ có một quả trứng luộc, bố cắt nhỏ thành nhiều phần để chia cho mấy chị em. Vậy lý do gì mà mà một thôn nữ nghèo như tôi lại trở thành Bác sĩ Ưu tú ngày hôm nay? Đó chính là nhờ sách! Qua những trang sách, tôi gặp những người anh hùng mưu trí, dũng cảm, kiên cường... Họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng, điều đó đã hun đúc cho tôi ý chí, nghị lực để vươn lên.
Chị quyết định theo nghề Y bởi trong gia đình chị có tới 4 người anh, người chị đã lần lượt ra đi trong bạo bệnh. Chị Hoa đã rời miền quê Sơn Tây (Hà Tây) đến với mảnh đất Thái Nguyên để học tập, lập nghiệp và xây dựng gia đình. Chồng chị Hoa cũng là một bác sĩ chuyên khoa cấp I về mắt. Anh đã từng đi là làm chuyên gia nhiều năm ở nước ngoài. Vợ chồng bác sĩ Quỳnh Hoa có hai người con (một trai, một gái) đều chăm ngoan, học giỏi, đỗ đạt ở những trường đại học danh giá của Quốc gia.
Mái ấm nhỏ bé ở tổ dân số 10, không chỉ là chốn đi về bình yên của các thành viên trong gia đình mà còn là điểm đến đáng tin cậy của hàng trăm bệnh nhân. Chị Hoa nói vui: Tôi không chỉ khám, chữa bệnh cho các bà mẹ mà giờ chữa bệnh cho cả con của họ. Bệnh nhân nhớ tới tôi, nhưng tôi không thể nhớ hết mặt bệnh nhân. Việc khám không lấy tiền hoặc hỗ trợ tiền cho bệnh nhân nghèo là việc chị Hoa làm thường xuyên. Chị chia sẻ: Tiếp xúc với bệnh nhân mới thấy nhiều người nghèo khổ lắm! Có người cái quần, cái áo còn không lành lặn. Là người thầy thuốc ngoài làm tốt việc chuyên môn cần phải có sự thương yêu, đồng cảm với bệnh nhân, không chỉ giúp họ vơi đi nỗi đau thể xác mà còn chia sẻ, động viên họ về tinh thần, nếu có thể thì giúp đỡ một chút về vật chất. Là bác sĩ sản khoa nên chị cảm thông sâu sắc với chị em phụ nữ vì hiểu được nỗi vất vả, đau đớn của họ khi mang thai, sinh con, hoặc mắc bệnh phụ khoa...
Chính vị lẽ đó, chị Hoa đã mang trên mình nhiều “vai”, khi là bác sĩ, chị chú tâm thăm khám, làm tốt thủ thuật, hạn chế tối đa sai sót, sau đó tư vấn tỉ mỉ cách dùng thuốc, điều chị bệnh sao cho hiệu quả; có lúc, bác sĩ Hoa lại như người bạn, người chị, người mẹ... ân cần khuyên nhủ, chia sẻ với bệnh nhân. Chị “thấm” cả sự hoang mang, lo sợ khi có bệnh nhân không may phát hiện ra u cục trong người, nếu không có cách nói khéo léo, tế nhị, bệnh nhân rất dễ bị choáng, ngất ngay trên bàn thủ thuật. Có lần chị khám cho một bệnh nhân mới 17 tuổi, nhưng lại phát hiện ra u ở ngực, tay chân chị run lên vì thương bệnh nhân còn quá trẻ. Cảm xúc, áp lực... đan xen khiến có lúc chị rất mệt mỏi, nhưng chị vẫn dành tâm huyết gắn bó với nghề đã lựa chọn với tất cả tình thương và trách nhiệm. Những cố gắng, nỗ lực của Thày thuốc Ưu tú Nguyễn Thị Hoa đã được ghi nhận bằng nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, bộ, ngành.
Trước khi chia tay chúng tôi, chị nói lời gan ruột: Trong cuộc đời này, tôi đã học Bác Hồ tình yêu thương con người. Bác đã hy sinh cả cuộc đời mình vì đất nước, vì dân tộc mà không màng một chút danh lợi cho bản thân. Còn tôi làm việc, không chỉ cho bản thân mà còn có cả một gia đình, nhưng tình yêu thương con người phải luôn được lan tỏa.