Nhiều năm nay, điều trị bệnh theo phương pháp đông, tây y (cổ truyền và hiện đại) kết hợp đã được nhiều thầy thuốc trên địa bàn tỉnh áp dụng. Bởi vậy, nhu cầu phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đây cũng là lý do để cuối tháng 5 vừa qua, Thái Nguyên ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình này đến năm 2030.
Chia sẻ về những hữu ích trong việc điều trị cho bệnh nhân theo phương pháp Đông, Tây y kết hợp, nhiều bác sĩ đã đưa ra những minh chứng rất cụ thể. Bác sĩ Hoa Ngần, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên nói: Khi điều trị cho bệnh nhân bị viêm khớp gối hoặc thoát vị đĩa đệm, tôi thường kê cho bệnh nhân một số loại thuốc Tây y kết hợp với xoa bóp bằng thuốc Đông y... Nhờ đó, đã giúp giảm nhanh các cơn đau nhức xương khớp cho bệnh nhân.
Thực tế cho thấy, y dược cổ truyền có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Phát triển nền y dược cổ truyền không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy một bộ phận văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh mà còn giúp chúng ta lưu giữ được những bài thuốc quý đã lưu truyền hàng nghìn năm trong dân gian. Từ đó, chúng ta có thể nghiên cứu, kết hợp với y dược hiện đại trong quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Để có thể kết hợp hai phương pháp điều trị này một cách hiệu quả nhất, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch thực hiện đến năm 2030. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Bệnh viện đa khoa Y dược cổ truyền hoặc Bệnh viện Đa khoa Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tuyến tỉnh quy mô 350 giường; 95% số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện có khoa Y dược cổ truyền hoặc chuyên khoa có hoạt động y dược cổ truyền; 95% số trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám, chữa bệnh y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại. Ngoài ra, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại cho bệnh viện nêu trên…
Trước mắt, tỉnh ưu tiên việc tổ chức, đào tạo, kế thừa, nghiên cứu, áp dụng các loại dược liệu vào việc phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân; nuôi, trồng dược liệu, bảo tồn các cây, con làm thuốc quý hiếm, sản xuất thuốc. Thông qua đó, 100% cán bộ sẽ được đào tạo, cập nhật kiến thức sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Nhất là đối với các bác sĩ y học cổ truyền, sẽ được đào tạo liên tục, chuyên sâu sau đại học các chuyên khoa về y học hiện đại… Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực của xã hội cho phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở khám, chữa bệnh y dược cổ truyền; hoạt động mua bán, kinh doanh, xuất, nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền; phát huy vai trò các hiệp hội, hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền trong việc tham gia ý kiến xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển y dược cổ truyền; phát triển dược liệu, thương mại hóa sản phẩm, thuốc cổ truyền; tăng cường thông tin, truyền thông về thuốc và các phương pháp điều trị của y dược cổ truyền...