Mùa mưa là thời điểm Thái Nguyên dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là sốt xuất huyết và Leptospirosis. Do đó, việc ngăn ngừa các loại bệnh này rất cần thiết.
Sốt xuất huyết gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày. Bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng, có thể làm tử vong ở bệnh nhân giai đoạn sau cắt sốt. Hiện, Thái Nguyên đang bước vào cao điểm của “mùa” sốt xuất huyết. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thái Nguyên, một tháng qua đã xuất hiện gần chục trường hợp mắc sốt xuất huyết đến điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đó là chưa kể con số ghi nhận được tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Còn theo thống kế của Sở Y tế, năm 2019, Thái Nguyên xuất hiện 143 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 58 ca so với năm 2018).
Chị Triệu Thị Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quân Chu (Đại Từ) cho biết: Năm 2019, trên địa bàn đã phát hiện một bệnh nhân nam, sinh năm 1980, trú tại xóm Chiểm 2 mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh nhân đã được đưa đến Bệnh viện C Thái Nguyên điều trị kịp thời.
Phát hiện các triệu chứng, chẩn đoán sớm để điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để phòng bệnh, ngành chức năng đã khuyến cáo các địa phương mà nòng cốt là cán bộ các trạm y tế, trung tâm y tế… phải tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, vệ sinh môi trường, tự xử lý các dụng cụ đựng, chứa nước, không cho muỗi vào đẻ trứng; lau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thường xuyên thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước ở quanh nhà; phun thuốc diệt muỗi, côn trùng... Đồng thời, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế khi phát hiện những người có triệu chứng của bệnh, mắc bệnh, từ đó áp dụng các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Không chỉ xuất hiện các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, đáng báo động hơn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Leptospirosis, có nguồn lây nhiễm là động vật thương mại, trong nước và hoang dã đã bị bệnh Leptospirosis. Bác sĩ Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho hay: Bệnh viện chúng tôi vừa tiếp nhận và điều trị 2 bệnh nhân mắc bệnh này. Trong đó, một trường hợp nặng phải điều trị hồi sức cấp cứu. Hơn 6 năm rồi, Thái Nguyên mới xuất hiện bệnh nhân mắc Leptospirosis. Thực tế này khiến chúng tôi rất lo ngại bởi bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Thư, các ngành nghề có nguy cơ mắc bệnh bao gồm: Bác sĩ thú y, công nhân lò mổ, nông dân, công nhân bảo trì hệ thống thoát nước, công nhân cơ sở xử lý chất thải, điều tra đất và người làm việc trên các tòa nhà bỏ hoang… Các triệu chứng của bệnh thường là cấp tính, ủ bệnh trong hai tuần. Sau đó, nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân tăng mạnh (lên đến 40 độ C), có một cơn ớn lạnh, đau cơ, thường là ở bắp chân, đau đầu, đánh trống ngực, huyết áp thấp... Qua 3 ngày kể từ khi phát bệnh, thường có phát ban punctal, lá lách và gan to ra, đi tiểu khó khăn, vàng da... Bệnh này đôi khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy thận, viêm phổi, viêm cơ tim, phù não, chấn thương mắt khác nhau, rối loạn tuần hoàn cấp tính. Tỷ lệ tử vong của bệnh từ 1-3% (số người mắc), nhưng trong thời gian dịch, con số này tăng lên 35%.
Các y, bác sĩ cho rằng phòng, tránh bệnh là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa bệnh quay trở lại. Do đó, nguy cơ mắc phải bệnh Leptospirosis sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta không bơi lội trong các hồ nước hoặc lặn trong nước ô nhiễm do nước tiểu của động vật, hoặc loại bỏ nguồn phơi nhiễm với động vật nguy cơ mắc bệnh. Đáng lưu ý, mọi người nên mặc quần áo bảo vệ hoặc đi ủng để tránh nguồn nước ô nhiễm khi làm việc trong các môi trường có nguy cơ cao, nhất là đối với nông dân. Ngoài ra, những người thường xuyên làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh nên tiêm phòng vắc - xin phòng, chống bệnh Leptospirosis…