Ngày Tránh thai Thế giới (26-9) được phát động từ năm 2007 với tầm nhìn hướng đến một thế giới - nơi mọi đứa trẻ sinh ra đúng theo kế hoạch và phụ nữ được trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết để chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, mang thai, sinh con. Năm nay, Ngày Tránh thai Thế giới tiếp tực được phát động với chủ đề: Đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cho mọi người dân.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những năm trước, do nhiều phụ nữ trong tỉnh chưa chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn nên tỷ lệ nạo hút, phá thai khá cao. Bác sĩ Nguyễn Thị Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: Phá thai không an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh thứ phát. Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản bằng cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Thực tế cho thấy, phòng tránh thai an toàn mang lại rất nhiều lợi ích giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ. Phòng tránh thai cũng giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, từ đó, có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Vì những lợi ích thiết thực đó, để làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và hưởng ứng các hoạt động của Ngày Tránh thai Thế giới, hơn 10 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa và hiệu quả của công tác kế hoạch hóa gia đình, chủ động chăm sóc sức khỏe sinh sản…
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động mang thai vì lợi ích của bản thân và cộng đồng. Do đó, thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Tránh thai thế giới cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan truyền thông. Hằng năm, các cấp, ngành chức năng của tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động vận động, huy động cộng đồng và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới...
Từ những hoạt động này, 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác dân số, KHHGĐ góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn tỉnh là 68.675 trường hợp, chiếm 88,2%.
Hiện, kênh phân phối các biện pháp tránh thai ở Thái Nguyên khá đa dạng, tập trung chủ yếu ở 3 kênh: Dịch vụ lâm sàng, thực hiện các biện pháp tránh thai qua các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế tư nhân; phân phối dựa vào cộng đồng, thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số, KHHGĐ tại thôn, bản tham gia cung cấp bao cao su và viên uống tránh thai; tiếp thị xã hội, xã hội hóa và thị trường tự do. Vì vậy, người dân dễ dàng tiếp cận được với các biện pháp tránh thai hiện đại. Tuy nhiên, để công tác dân số, KHHGĐ đạt được kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp tránh thai, giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt để không mang thai ngoài ý muốn.
Cùng với đó là tập trung truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai; về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn; đẩy mạnh truyền thông Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch truyền thông Dân số của tỉnh đến năm 2030...