Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác

08:19, 22/09/2020

Đến nay, Việt Nam đã qua gần 20 ngày không phát sinh thêm ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Riêng với Thái Nguyên, đã trải qua gần 6 tháng không phát sinh thêm bệnh nhân dương tính với dịch bệnh nguy hiểm này. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát. Trước những thông tin tích cực này, những ngày trở lại đây, một bộ phận người dân trong tỉnh đã có biểu hiện chủ quan, lơ là với dịch bệnh, thờ ơ với chính sức khỏe của mình và cộng đồng.

Đeo khẩu trang được xem là biện pháp rất đơn giản nhưng hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19. Vì thế, thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng và lan ra một số tỉnh trong cả nước, hầu hết người dân trong tỉnh khi đi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng đều đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, mấy ngày nay, không ít người đã từ bỏ thói quen này.

Chị Nguyễn Thị Hòa, một người dân ở xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) nói: Đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi khiến tôi rất khó chịu, nhất là khi leo lên cầu thang, tôi thấy khó thở. Giờ Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh nên tôi không còn quá lo lắng mỗi khi đi ra khỏi nhà nữa. Vì thế, tôi ít mang khẩu trang mỗi khi đi chợ hoặc đi đến chỗ đông người.

Không chỉ riêng chị Hòa, không ít người dân trong tỉnh cũng đều có suy nghĩ này. Bởi vậy, tại nhiều khu chợ ở T.P Thái Nguyên (như chợ Thái, Đồng Quang, Quan Triều…) nhiều người khi đi mua thực phẩm, hàng hóa cũng không đeo khẩu trang. Thực tế này khiến cho không ít người kinh doanh trong các khu chợ cảm thấy lo ngại. Một tiểu thương ở chợ Thái (xin giấu tên) cho biết: Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt người đến mua hàng hóa tại chợ, trong đó có nhiều người không đeo khẩu trang nên tôi rất ngại giao tiếp với họ. Khi bán hàng, tôi cũng chỉ nhắc khéo chứ không dám gay gắt vì “khách hàng là thượng đế”...

Theo quan sát của chúng tôi, tại một số đơn vị, doanh nghiệp, tuy cán bộ, người lao động vẫn duy trì đeo khẩu trang nhưng lại bỏ thói quen sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Nhiều người cho rằng, mỗi khi dừng lại lấy dung dịch sát khuẩn rất mất thời gian. Hơn nữa, nhiều loại sát khuẩn gây khó chịu cho người sử dụng.

Còn tại các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, tình trạng tụ tập đông người đã xuất hiện trở lại. Nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, tại một số cửa hàng, lượt khách đến trong cùng một thời điểm đã vượt quá con số 50 người.

Từ thực tế trên cho thấy, một bộ phận cán bộ và người dân trong tỉnh đang có tâm lý “coi như hết dịch”. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực, trên thế giới đang hết sức phức tạp, khó lường. Trước đó, Việt Nam đã từng trải qua 99 ngày không phát sinh ca bệnh nhưng sau đó đã quay trở lại và bùng phát rất mạnh, số ca nhiễm mới trong cộng đồng tăng theo cấp số nhân. Do đó, theo khuyến cáo của lãnh đạo ngành Y tế tỉnh, người dân không nên chủ quan, lơ là với dịch bệnh; toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.

Đến nay, thế giới chưa sản xuất được vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Bởi vậy, công tác phòng dịch vẫn là giải pháp tối ưu để người dân đối phó với COVID-19. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, người dân trong tỉnh nên tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng; không nên chủ quan trong phòng, chống dịch, bởi thực hiện đúng yêu cầu của ngành chức năng là bảo vệ cho chính mình, gia đình, người thân và cộng đồng. Trong đó, mọi người cần tiếp tục hưởng ứng thông điệp “5K” là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đến nơi công cộng; thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc nước sát khuẩn, vệ sinh nơi ở thoáng mát…; giữ khoảng cách khi tiếp xúc; hạn chế tụ tập đông người và có ý thức khai báo y tế.