Người “gác cổng” thầm lặng

09:05, 15/09/2020

Hơn 20 năm gắn bó với công tác phòng, chống lao tại cộng đồng, chị đã đến hầu hết các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, giảng dạy, rà soát, khám sàng lọc bệnh lao. Chị như một người “gác cổng” thầm lặng, góp sức ngăn chặn bệnh lao lây lan ra cộng đồng. Chị là bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Thu Tiền (sinh năm 1971), Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên.

Nói về chị Tiền, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên dành những lời trìu mến: “Chị Tiền vừa là một bác sĩ tận tâm, trách nhiệm, chuyên môn cao, vừa là một cán bộ công đoàn nhiệt tình, mẫu mực, hay quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp. Với bất cứ công việc gì được giao, chị Tiền đều thực hiện rất cẩn thận, chu đáo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không những vậy, chị rất đam mê nghiên cứu khoa học, có nhiều đề tài góp phần tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống lao tại cộng đồng”. Còn bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Đại Từ chia sẻ: “Tôi biết chị Tiền từ rất lâu rồi. Dù ở cương vị nào, chị đều giản dị, gần gũi với đồng nghiệp, bà con và luôn chiếm được thiện cảm của mọi người”.

Có dịp đi cùng chị Tiền tham gia các hoạt động tại cộng đồng, tôi cũng có cảm nhận như vậy. Như lần tham gia hoạt động khám chủ động phát hiện bệnh lao cho người dân tại xã Yên Ninh (Phú Lương) vào một ngày đầu tháng 9 mới đây, tôi thấy chị luôn quan tâm, kịp thời hỗ trợ từng bác sĩ, tận tình hỏi thăm người dân đến khám. Bác sĩ Ma Thị Lượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Ninh cho biết: Chị Tiền lúc nào cũng vậy, giàu tình cảm và rất quan tâm đến bà con. Đối với công tác tổ chức, chị rất chu đáo, cẩn thận, triển khai hoạt động khám bệnh rất bài bản, đúng quy trình, tạo thuận lợi cho cán bộ y tế và người dân.

Chị Tiền gắn bó với công việc của một bác sĩ chỉ đạo tuyến phòng, chống lao tại Trạm Chống lao tỉnh từ năm 1998. Hàng chục năm làm bác sĩ chỉ đạo tuyến trong hoạt động phòng, chống lao, chị Tiền đã đi đến nhiều xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn trên địa bàn tỉnh để giảng dạy, hướng dẫn cán bộ y tế từ tuyến huyện đến tuyến xã và trực tiếp khám cho người dân. Hơn 10 năm tận tụy với công việc, đến tháng 6-2010, chị được bổ nhiệm Phó Trưởng Trạm Chống lao tỉnh và tháng 9-2016, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, một bệnh nhân lao mắc lao phổi dương tính, nếu không phát hiện được sớm, trong 1 năm có thể lây nhiễm, làm cho 10-15 người khác bị nhiễm lao. Để ngăn chặn bệnh lao lây lan ra cộng đồng, chị Tiền và tập thể cán bộ Trạm Chống lao tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống lao, hiện tỷ lệ người mắc lao được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 78 người/100.000 dân, thấp hơn mức trung bình của cả nước (110 nngười/100.000 dân).

Bên cạnh đó, chị Tiền luôn đam mê nghiên cứu. 5 năm qua, chị là chủ nhiệm của 5 đề tài đã được nghiệm thu và 1 đề tài đã bảo vệ xong đề cương nghiên cứu. Các đề tài của chị Tiền đều tập trung nghiên cứu về công tác phát hiện, quản lý điều trị lao trên địa bàn tỉnh và đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này. Ngoài ra, chị cũng là một Chủ tịch Công đoàn mẫn cán với công việc, thường xuyên quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, tăng cường sự đoàn kết trong cơ quan. Chị đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Chương trình chống lao Quốc gia và Liên đoàn Lao động tỉnh... Mới đây, chị là 1 trong 5 điển hình lao động tiên tiến của tỉnh được lựa chọn tham dự Đại hội thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, lao động toàn quốc lần thứ X sẽ được tổ chức cuối năm nay.

Khi được hỏi về mong ước và những dự định trong thời gian tới, chị mỉm cười bảo: Tôi sẽ luôn nỗ lực hết mình cho công tác phòng chống lao với chỉ có một mong ước là góp sức nhỏ bé của mình từng bước đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng.